Bạn nói tiếng Anh kém là do kỹ năng nghe không tốt, ít vốn từ vựng, phát âm không chuẩn và thiếu tự tin.
1. Nghe
Nghe chiếm 50% thời lượng của cuộc hội thoại. Nếu không hiểu những gì đối phương nói, bạn sẽ rất khó trả lời.
Bạn có thể sử dụng hai giải pháp cho vấn đề này. Thứ nhất, hãy dành từ 10 đến 15 phút mỗi ngày để luyện nghe bằng cách tải podcast miễn phí và nghe trong khi lái xe, đi xe buýt, tập thể dục… Thứ hai, các câu dưới đây sẽ giúp ích cho bạn khi đang đối thoại nhưng không hiểu rõ những gì người kia nói:
– I beg your pardon?
– I’m sorry, I didn’t understand that.
– Could you repeat that, please?
– Could you say that again, please?
Ảnh minh họa: Sohu |
2. Từ vựng
Đôi khi trong lúc đang nói chuyện bằng tiếng Anh, bạn nghĩ một câu trong đầu nhưng quên mất hai hoặc ba từ vựng quan trọng. Để nhớ nhiều từ vựng hơn, bạn cần có phương pháp hiệu quả.
Thay vì đọc danh sách từ vựng kèm định nghĩa và cố ghi nhớ, bạn hãy học theo nhóm liên quan. Chẳng hạn, khi tưởng tượng mình đang ở sân bay, bạn có biết hết mọi thứ nhìn thấy được ở xung quanh không? (Luggage, check-in desk, travel agency, flight attendant, boarding pass). Nếu không biết từ nào đó, bạn hãy tìm trong từ điển. Sau đó, hãy nghĩ về các kiểu hội thoại có thể diễn ra ở sân bay. Bạn sẽ nhờ chỉ đường ra cổng sân bay như thế nào? Bạn nói gì nếu nhỡ chuyến bay?
Viết những gì vừa nghĩ ra giấy sẽ giúp bạn có kho từ vựng hữu dụng và liên quan đến nhau, nhờ đó khi gặp hoàn cảnh thực tế, bạn sẽ bớt lúng túng hơn.
3. Phát âm
Khi giao tiếp, bạn phải suy nghĩ không chỉ cách phát âm của mỗi từ riêng lẻ mà còn cách nối âm trong câu và ngữ điệu phù hợp. Có hai cách giúp bạn phát âm lưu loát hơn. Cách thứ nhất là đăng ký khóa học phát âm cơ bản để được sửa từng âm một. Cách còn lại là tiếp tục luyện nghe. Nếu bạn nghe giỏi, phát âm của bạn cũng tự nhiên và dần giống người bản xứ hơn.
Một phương pháp hiệu quả là vừa nghe các mẫu hội thoại vừa xem phụ đề. Sau khi nghe một hoặc hai câu, bạn ngừng audio và nhắc lại chính xác những gì vừa nghe được.
4. Sự tự tin
Nếu cảm thấy lo lắng, sợ mắc lỗi khi nói tiếng Anh, bạn có thể vận dụng ba điều sau đây để cải thiện sự tự tin.
Thứ nhất, bạn đừng quan tâm quá nhiều đến ngữ pháp, hãy cố gắng hết sức có thể và những lỗi nhỏ sẽ trở nên kém quan trọng, nhất là khi ngữ pháp trong văn nói linh động hơn nhiều so với văn viết.
Thứ hai, bạn hãy xem mình là một người nói tiếng Anh lưu loát, lấy động lực từ những câu nói tốt, không thất vọng vì những câu nói kém.
Thứ ba, luyện tập tiếng Anh càng nhiều càng tốt dưới những tình huống ít áp lực như tự trò chuyện với chính mình, nói với một người bạn thân hoặc giáo viên. Nếu bạn mắc lỗi, họ sẽ sửa sai cho bạn. Dần dần, bạn sẽ tự tin và thoải mái hơn khi dùng tiếng Anh trong những tình huống áp lực hơn như họp qua điện thoại, thuyết trình, phỏng vấn xin việc.
Leave a Reply