Trang tin điện tử của Ủy ban Dân tộc – TỈNH ĐỒNG NAI

 

TỈNH ĐỒNG NAI  07/05/2009

I. MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN

        1. Khái quát điều kiện tự nhiên

        Vị trí địa lý: Tỉnh Ðồng Nai nằm ở toạ độ địa lý 10022’33” vĩ độ Bắc, 107034’50” kinh độ Ðông, cách thủ đô Hà Nội 1.693 km; phía Ðông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Bắc giáp tỉnh Lâm Ðồng, phía Tây giáp TP. Hồ Chí Minh. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.895 km2, chiếm 1,79% tổng diện tích tự nhiên cả nước. Các đường giao thông quan trọng như đường quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56; đường sắt Bắc- Nam dài 87,5 km; đường bay Biên Hoà; đường biển có cảng Ðồng Nai. Hệ thống sông ngòi chính gồm sông Ðồng Nai với dòng chính dài hơn 101 km được nối với sông Nhà Bè và gần 40 sông suối lớn nhỏ. Trong đó có các sông lớn như: Sông Ðồng Nai, Thị Vải, La Ngà, Ðồng Tranh, Lá Buông với tổng diện tích 16.666 ha, chiếm 2,8% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Ngoài ra, còn có 23 hồ đập lớn nhỏ, đáng kể nhất là hồ Trị An, với diện tích 285 km2, chiếm 4,85% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

        Ðịa hình: Ðịa hình miền Trung du chuyển từ cao nguyên Nam Trung Bộ đến đồng bằng Nam Bộ. Vùng núi chiếm 5,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; vùng trung du và vùng đồng bằng chiếm 89,35% tổng diện tích. Ðiểm cao nhất có độ cao từ 100-400 m, điểm thấp nhất từ 1-3 m với độ cao trung bình là 60-250 m so với mặt nước biển.

        Khí hậu: Mưa, bão tập trung vào từ tháng 6 đến tháng 10; hiện tượng lũ quét, lũ lụt xuất hiện trong tháng 8 và     tháng 9. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.800-1.860 mm; nhiệt độ trung bình hàng năm từ 22,30C đến 32,20 C, trong đó hàng năm có khoảng 3 tháng nhiệt độ ở mức 250C. Tháng lạnh nhất là tháng 1; tần xuất sương muối thường xảy ra từ tháng 12 đến tháng 2. 

        2. Dân số – Dân tộc

        Dân số – Dân tộc: Theo kết quả điều tra ngày 1/4/1999, tỉnh Ðồng Nai có 1.990.678 người. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động xã hội trong toàn tỉnh là 945.000 người, chiếm 47,47% dân số (trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 5,65%).

        Trên địa bàn tỉnh có trên 20 dân tộc, đông nhất là dân tộc Kinh có 1.819.603 người, chiếm 91%; các dân tộc thiểu số như dân tộc Hoa có 102.444 người, chiếm 5%; dân tộc Nùng có 15.141 người, chiếm 1%; dân tộc Tày có 14.681 người, chiếm 1%; dân tộc Chơ- ro có 13.733 người, chiếm 1%; các dân tộc khác chiếm khoảng 1%.

        Trình độ dân trí: Ðã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 1998; đến hết năm 2001 đã có 86/163 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn về phổ cập giáo dục THCS, đạt 52,8%, trong đó huyện miền núi chiếm 6,7%; tỷ lệ người biết chữ chiếm 97% trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 2,74%. Năm học 2002 – 2003, số học sinh phổ thông toàn tỉnh là 497.881 em, trong đó học sinh là người dân tộc thiểu số là 18.401 em. Số giáo viên toàn tỉnh là 16.355 người, trong đó giáo viên là người dân tộc thiểu số chiếm 0,2%. Số thầy thuốc có 3.663 người, bình quân y, bác sĩ trên 1 vạn dân là 18 người, trong đó y, bác sĩ là người dân tộc thiểu số chiếm 0,68%. 

        3. Tài nguyên thiên nhiên

        3.1. Tài nguyên đất

        Tỉnh Ðồng Nai có 589.474 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 179.808 ha, chiếm 30,5%; diện tích đất nông nghiệp là 302.845 ha, chiếm 51,37%; diện tích đất chuyên dùng là 68.019 ha, chiếm 11,53%; diện tích đất ở là 10.547 ha, chiếm 1,78%; diện tích đất chưa sử dụng, sông suối đá là 28.255 ha, chiếm 4,79%.

        Trong đất nông nghiệp, diện tích đất trồng cây hàng năm 126.631 ha, chiếm 41,8%, riêng đất lúa có 55.830 ha, chiếm 44% gieo trồng được 2 vụ; diện tích đất trồng cây lâu năm là 162.712 ha, chiếm 53,72%; diện tích đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản là 4.345 ha, chiếm 1,43%.

        Diện tích đất trống, đồi trọc cần phủ xanh là 43.757 ha, đất có mặt nước chưa sử dụng là 2.096 ha.

        3.2. Tài nguyên rừng

        Ðến năm 2002, toàn tỉnh có 180.017 ha, trong đó: Diện tích rừng tự nhiên là 131.125 ha, diện tích rừng trồng là 48.892 ha.

        Các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia năm trên địa bàn tỉnh như khu du lịch công viên K4, khu công viên nhân tạo, vùng rừng nguyên sinh Nam Cát Tiên, mộ cổ Hàng Gòn, khu du lịch Bửu Long, khu du lịch ven sông Ðồng Nai.

        3.3. Tài nguyên khoáng sản

        – Tài nguyên đá: Ðá hoa cương có khá nhiều thuộc địa bàn thành phố Biên Hoà, Vĩnh Cửu, Tân Phú, Xuân lộc. Trữ lượng các núi đá này khá lớn, chỉ tính phần nổi trên mặt đất cũng có hàng trăm triệu mét khối. Ðá bazan đã và đang khai thác ở mỏ đá Sóc Lu (xã Quang Trung, huyện Thống Nhất), trữ lượng nổi trên mặt đất hàng chục triệu mét khối; mỏ đá Trảng Bom (xã Trảng Bom 1), trữ lượng 1 triệu mét khối. Ðá perfelan: có rải rác ở khắp khu vực thuộc huyện Thống Nhất và huyện Vĩnh Cửu có trữ lượng xấp xỉ 10 triệu tấn. Ðá laterit ( đá Ong) có rải rác hầu hết các địa phương trong tỉnh, thường cấu tạo hình thành từng núi hoặc từng khoảnh có chiều dầy 2-3m trên mặt đất.

        – Tài nguyên sét: Hiện nay có các mỏ như mỏ sét Hoá An thuộc thành phố Biên Hoà, trữ lượng xấp xỉ 10 triệu m3, ngoài ra còn có các mỏ sét như Thiện Tân, Phú Hội, Hoà Hưng, Phú Hiệp….

        – Tài nguyên cát: chủ yếu tập trung ở dọc sông Ðồng Nai với trữ lượng khá lớn, trữ lượng cát có đến hàng trăm triệu m3.

        – Than bùn: Trữ lượng than bùn Phú Bình khoảng 500 ngàn tấn, dùng để chế biến phân bón và làm chất đốt.

        – Tài nguyên kim loại: Vàng ở Bửu Long có hàm lượng 0,2-10g/tấn, chì kẽm dạng hợp chất sulfur và cácbonat phát hiện ở 2 điểm Chứa Chan ( huyện Xuân lộc) và Bửu Long ( Biên Hoà) và ngoài ra còn có molipden, thiếc, mangan, đá quý trang sức…

        3.4. Tài nguyên du lịch

        Ðồng Nai có tiềm năng lớn về du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử văn hóa lâu đời bao gồm: Tuyến du lịch sông Ðồng Nai có: Cù lao Phố, khu du lịch Bửu Long; tuyến du lịch sông Mây, Trị An có Hồ Sông Mây, Hồ Trị An, chiến khu Ð; tuyến du lịch phía Ðông Nam có: Trung tâm văn hóa Suối Tre, khu công viên Hòa Bình, hồ Núi Le, núi Chứa Chan, khu mộ cổ Hàng Gòn, cụm di tích chiến thắng Xuân Lộc; tuyến du lịch phía đông và đông bắc có: Quần thể đá Ba chồng, rừng quốc gia Nam Cát Tiên, suối nước nóng Thác Mai; tuyến du lịch phía Nam có cụm các khu công nghiệp, cù lao Ông Còn, cù lao Ba Xe, rừng Sác, rừng đước Phước Thái, thác An Viễn, làng cỏ Bến Gỗ…

        3.5. Tài nguyên nước và thuỷ điện

        Sông Ðồng Nai lưu lượng 485 m3/giây. Sông La Ngà lưu lượng 100m3/giây; Sông Bé lưu lượng 133m3/giây. Ngoài ra còn có sông Lá Buông, sông Ray. Tổng lượng nước các hệ thống sông suối Ðồng Nai khoảng 23 tỷ mét khối. Tiềm năng về thuỷ điện khoảng 581.500 KW phân bố ở hệ thống sông Ðồng Nai công suất 580.572 KW; hệ sông Ray công suất 40KW; hệ sông La Ngà công suất 114 KW; hệ sông Lá Buông công suất 765 KW.

        Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai có nhà máy thuỷ điện Trị An có công suất 400MW với sản lượng 1,7 tỷ KW hàng năm. Ðây là nguồn cung cấp điện chủ yếu cho phát triển công nghiệp. Ngoài ra còn có các tổ máy diesel của nhà máy nước Hoá An công suất 5MW có sản lượng 14 triệu KW/năm. 

        4. Cơ sở hạ tầng có đến năm 2002

        4.1. Mạng lưới giao thông bộ: Toàn tỉnh hiện có 3.724 km đường giao thông, trong đó: đường do trung ương quản lý dài 240 km, chiếm 6,44%; đường do tỉnh quản lý dài 529 km, chiếm 14,2%; đường do huyện quản lý dài 2.071 km, chiếm 55,62%. Trong tổng số 3.724 km đường thì đường cấp phối, đá dăm là 937 km, chiếm 25,1%; đường nhựa là 846 km, chiếm 22,71%; còn lại là đường đất. Hiện có 100% số xã, phường có đường ô tô đến trung tâm, phục vụ tốt cho việc đi lại và vận chuyển hàng hoá.

        4.2. Mạng lưới bưu chính viễn thông: Toàn tỉnh có 82 bưu cục, 74 bưu điện văn hóa xã, 122 đại lý bưu điện, 148.500 máy điện thoại, số máy điện thoại cố định đạt mật độ 7,2 máy/100 dân, trong đó vùng dân tộc và miền núi có 10.115 chiếm 8,9%. Ðã có 100% số xã, phường có điện thoại.

        4.3. Mạng lưới điện quốc gia: Toàn tỉnh có 163/163 xã, phường, thị trấn đã hòa mạng lưới điện quốc gia; tỷ lệ số hộ được dùng điện là 78,33%.

        4.4. Hệ thống cấp nước sinh hoạt: Ðã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước; toàn tỉnh hiện có 78,7% số người được sử dụng nước sạch.  

        5. Kinh tế – Xã hội năm 2002

        Tốc độ tăng GDP đạt 12%.

        Thu nhập bình quân đầu người đạt 476 USD/người/năm.

        Tỷ lệ đói nghèo toàn tỉnh là 3%.

        Tỷ lệ thất nghiệp là 3,8%.  

II. MỘT SỐ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI

        1. Kết quả phân định 3 khu vực

        Huyện Tân Phú:

        – Khu vực I (MN): Xã Phú Lộc, Trà Cổ, thị trấn Tân Phú.

        – Khu vực II (MN): Xã Phú Trung, Phú Sơn, Phú Ðiền, Phú Bình, Phú Thịnh, Phú An, Núi Tượng.

        – Khu vực III (MN): Xã Thanh Sơn, Nam Cát Tiên, Tài Lài, Ðắc Lua, Phú Lập.

        Huyện Ðịnh Quán:

        – Khu vực I (MN): Xã Phú Lợi, Ngọc Ðịnh, Phú Hoà, thị trấn Ðịnh Quán.

        – Khu vực II (MN): Xã Phú Vinh, La Ngà, Phú Túc, Phú Ngọc, Gia Canh, Túc Trưng, Suối Nho.

        – Khu vực III (MN): Xã Phú Tân, Thanh Sơn.

        Huyện Long Khánh:

        – Khu vực I (MN): Xã Suối Tre, Xuân Tân.

        – Khu vực II (MN): Xã Xuân Mỹ, Xuân Lập, Long Giao, Bàu Sen.

        – Khu vực III (MN): Xã Nhân Nghĩa, Xuân Thanh, Xuân Thạnh.

        Huyện Vĩnh Cửu:

        Khu vực II (MN): Xã Trị An, Phú Lý, Thị trấn Vĩnh An.

        Huyện Thống Nhất:

        – Khu vực II (MN): Xã An Viễn, xã Lộ 25.

        – Khu vực III (MN): Xã Ðồi 61.

        Huyện Xuân Lộc:

        – Khu vực I (MN): Thị trấn Gia Ray.

        – Khu vực II (MN): Xã Xuân Hoà, Xuân Thành, Lâm San, Xuân Ðông, Xuân Tây, Xuân Tâm, Xuân Bảo, Xuân Trường, Xuân Thọ, Bảo Bình, Song Ray, Xuân Hưng, Xuân Bắc.

        – Khu vực III (MN): Xã Suối Cao. 

        2. Danh sách các xã thuộc Chương trình 135

        – Huyện Tân Phú: Xã ATK: Thanh Sơn, Nam Cát Tiên, Tài Lài, Ðắc Lua, Phú Lập.

        – Huyện Ðịnh Quán: Xã ATK: Phú Tân, Thanh Sơn.

        – Huyện Long Khánh: Xã ATK: Nhân Nghĩa, Xuân Thanh, Xuân Thạnh, Xuân Thiện, Sông Nhạn.

        – Huyện Thống Nhất: Xã ATK: Ðồi 61, Sông Trầu, Sông Thao.

        – Huyện Xuân Lộc: Xã ATK: Suối Cao. 

        3. Một số vấn đề dân tộc và tôn giáo

        a. Tình hình dân tộc và tôn giáo: Ðồng bào dân tộc thiểu số sống xen kẽ các huyện, các khu trung du miền núi, vùng xa, vùng kháng chiến cũ, tập trung đông nhất ở các huyện Ðịnh Quán, huyện Xuân lộc, huyện Tân Phú, huyện Thống Nhất. Theo kết quả điều tra năm 1999, toàn tỉnh Ðồng Nai có số tín đồ tôn giáo là 1.037.064 tín đồ, trong đó Công giáo có 694.171 tín đồ, Phật giáo có 316.294 tín đồ, Cao đài có 14.198 tín đồ, Tin lành có 10.300 tín đồ, Hồi giáo có 2.101 tín đồ. Số dân tộc theo đạo Công giáo và Tin lành khá đông, khoảng 13.513 tín đồ, trong đó Công giáo có 4.539 tín đồ, Tin lành 8.974 tín đồ. Dân tộc Chơ- ro có số người theo đạo rất đông, chiếm 90% (tại huyện Ðịnh Quán, dân tộc Chơ-ro có 4.154 người thì có đến 3.880 người theo đạo, trong đó Tin lành là 2.596 người, công giáo 1.285 người).

        Ðồng Nai là tỉnh có số lượng người Hoa đông thứ 2 sau Thành phố Hồ Chí Minh. Phần lớn là những người Hoa di cư từ tỉnh Quảng Ninh vào Nam năm 1954. Trừ một số bộ phận người Hoa cư trú ở thành phố Biên Hoà, còn phần lớn sống ở nông thôn.

        b. Tình hình đời sống: Ðời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số có mức sống trung bình trở xuống, tỷ lệ hộ đói nghèo khá cao. Tính đến hết năm 2001, trong 16.505 hộ, 92.299 khẩu thì có 4.433 hộ thuộc diện đói nghèo, chiếm 26,9% trong đó, hộ đặc biệt khó khăn là 729, chiếm 4,4%. Bên cạnh đời sống về kinh tế, các mặt đời sống khác còn rất thấp kém như tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường chỉ đạt 63%.

III. QUY HOẠCH VÀ KẾ HOẠCH DÀI HẠN PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI

        1. Tóm tắt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2001 – 2010

        1.1. Quan điểm phát triển

        – Xây dựng hệ thống kinh tế mở theo hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, nguồn lực của tỉnh. Ðẩy mạnh quan hệ kinh tế với bên ngoài, gắn với thị trường trong nước, đặc biệt là vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam và gắn với thị trường nước ngoài, trước hết là các nước trong khu vực.

        – Ðẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên mọi lĩnh vực, phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

        – Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa hướng về xuất khẩu. Khuyến khích huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế cho mục tiêu đầu tư phát triển.

        – Ðầu tư tập trung, có trọng điểm. Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút vốn đầu tư mới và khai thác tối đa các năng lực sản xuất sẵn có. Ðầu tư đồng bộ để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý và giải quyết các nhu cầu về xã hội. Quan tâm đúng mức đối với vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa mà trước hết là ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng: giao thông, thuỷ lợi, nước sạch nông thôn, bệnh viện, trường học, dịch vụ sản xuất… Ðưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật về nông thôn, xoá dần khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn.

        – Xây dựng các đô thị mới gắn với các khu công nghiệp tập trung để đảm bảo tổ chức hợp lý không gian lãnh thổ trước mắt cũng như lâu dài. Xây dựng các đô thị trở thành các trung tâm kinh tế – xã hội phát triển với chức năng là những hạt nhân. Xây dựng thành phố Biên Hoà là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh; xây dựng các thị trấn và chú ý xây dựng, mở rộng quy mô thị trấn Xuân Lộc để giảm bớt áp lực đô thị hoá đối với thành phố Biên Hoà.

        – Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hợp lý và có hiệu quả, phục hồi tài nguyên có thể tái tạo được, đảm bảo cân bằng sinh thái.

        – Gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng xã hội. Xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là dân cư nông thôn và miền núi.

        – Phát triển nguồn nhân lực, coi trọng đào tạo để nâng cao trình độ dân trí, trình độ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Có biện pháp, chính sách nhằm khuyến khích đào tạo nhân tài và thu hút chất xám.

        – Thực hiện tốt chương trình quốc gia về y tế. Ðảm bảo chăm sóc sức khoẻ ban đầu, tăng cường phòng trị bệnh cho nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.

        – Thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo.

        1.2. Các mục tiêu cụ thể

        – Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm thời kỳ 2001 – 2010 là 11 – 12%/năm.

        – GDP bình quân đầu người vào năm 2010 đạt 1.100- 1.300 USD, gấp 3- 3,5 lần so với năm 2000.

        – Tỷ lệ đầu tư phát triển từ 38,9- 42,9% GDP. Tỷ lệ tích luỹ nội bộ từ GDP đạt khoảng 20- 25% cho cả thời kỳ 1996 – 2010.

        – Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20% giai đoạn 2001- 2010. Trong đó phần xuất khẩu của địa phương có mức tăng tương ứng là 25 và 20%.

        – Năm 2010 không còn hộ đói, giảm trên 90% tổng số hộ nghèo hiện nay.

        – Phấn đấu đến năm 2010: 100% dân đô thị và 80% dân nông thôn được dùng nước sạch. Phổ cập cấp I ở nông thôn, cấp II toàn tỉnh và cấp III ở thành phố Biên Hoà vào năm 2010.

        – Hạ tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống 0,5% vào năm 2010. Trên 90% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đủ 6 loại văcxin. Hạ tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống 10% vào năm 2010.

        – Nâng mức sử dụng điện thoại trong dân cư 14 máy/100 dân vào năm 2010. Phủ xanh 100% diện tích đất trống, đồi trọc vào năm 2005.

        – An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.  

        2. Tóm tắt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2001-2005

        2.1. Mục tiêu phát triển:

        – Phát huy mọi nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế, nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu xây dựng tỉnh Ðồng Nai thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, đưa nền kinh tế tăng trưởng, phát triển toàn diện và liên tục. Củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư, thu hút vốn bên ngoài với tăng cường mở rộng xuất khẩu nhằm huy động cao hơn cho nguồn lực vốn đầu tư phát triển.

        – Nâng cao hiệu quả đầu tư, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế , chú trọng nâng cao vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế Nhà nước và mở rộng năng lực kinh tế quốc doanh, phát triển lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo sức tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế – xã hội.

        – Xây dựng chiến lược tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội bền vững với tiến bộ khoa học công nghệ gắn với giữ vững an ninh, quốc phòng là phương cách bảo đảm thực hiện thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

        – Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính gắn với sắp xếp tổ chức, tinh giảm biên chế theo hướng tinh gọn hoạt động có hiệu quả đi đôi với giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội là yêu cầu ổn định phát triển toàn diện các vấn đề kinh tế – xã hội.

        2.2. Các mục tiêu cụ thể

        a. Mục tiêu kinh tế

        – Giá trị tổng sản phẩm quốc nội GDP bình quân tăng từ 10% – 12%/năm. Trong đó: công nghiệp – xây dựng cơ bản tăng từ 13-15%; thương mại – dịch vụ tăng từ 10-12%; nông, lâm nghiệp tăng từ 3,5-4%.

        – Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng cơ bản vào năm 2005 chiếm 55-56%; thương mại – dịch vụ chiếm 27-30% và nông, lâm nghiệp chiếm 15-17%.

        – Huy động vốn đầu tư trong và ngoài nước từ 38.000 tỷ đồng – 40.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với thời kỳ 1996 – 2000.

        – Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách Nhà nước đạt bình quân hàng năm khoảng 18% GDP.

        – GDP bình quân đầu người đạt 700 USD.

        – Kim ngạch xuất khẩu tăng 18,7%/năm, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 14,6%.

        b. Mục tiêu xã hội

        – Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,4%.

        – Giải quyết việc làm trên 65.000 lao động/năm. Chống tái đói, giảm 45.000 hộ nghèo, phấn đấu đến năm 2005 chỉ còn 2% hộ nghèo.

        – Trên 90% số hộ được dùng điện và dùng nước sạch.

        – Tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hoá trên 80%.

        – Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong toàn tỉnh, tiến tới hoàn thành phổ cập cấp III ở thành phố Biên Hoà và những địa phương có đủ điều kiện để hoàn thành phổ cập trung học cơ sở .

[ Quay lại ]