Trách nhiệm của người vợ – VỤ GIA ĐÌNH

* Đồng hành cùng người chồng trong suốt cuộc đời
Người bạn đời có lẽ là một tên gọi phù hợp nhất, thiêng liêng nhất để chỉ những người đã kết hôn bởi không chỉ bên nhau như những người yêu, họ còn giữ vai trò là người bạn bên cạnh nhau suốt cả cuộc đời. Người vợ là người tình, người bạn tri kỷ cùng sánh bước với chồng trong hành trình cuộc sống. Sự đồng hành, gắn bó qua những tháng ngày yêu cho đến khi làm vợ/làm chồng, làm cha/làm mẹ khiến người vợ thực sự hiểu và tôn trọng người chồng của mình. Không chỉ là sự ủng hộ sau mỗi quyết định đúng đắn mà mỗi người vợ còn phải mang trong mình sự sẵn sàng chia sẻ, lắng nghe, đồng cảm với người chồng mỗi khi gặp khó khăn, thất bại. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” – câu châm ngôn ấy luôn phù hợp dù bối cảnh xã hội có thay đổi như thế nào. Một ngôi nhà chỉ thực sự thành tổ ấm với những ánh lửa hạnh phúc được thắp lên từ người phụ nữ trong gia đình.
Sự đồng hành bên nhau còn là sự nâng đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người chồng để thực hiện được những mơ ước, mục tiêu trong công việc, trong cuộc sống đồng thời có ý thức chăm sóc, giữ gìn vẻ đẹp, giá trị của bản thân, tránh tâm lý tự tin, an phận, cũng như không lấn lướt, thiếu tôn trọng người chồng.
Đặc biệt khi gia đình hoặc người chồng gặp khó khăn, thất bại, người vợ cần là chỗ dựa để lắng nghe, chia sẻ, động viên và tìm cách hỗ trợ, cùng giải quyết những khó khăn ấy. Trong lúc này, nên hạn chế việc trách móc, hờn giận mà nên xác định cần đồng lòng để vượt qua những thử thách, vì mục đích giữ gìn mái ấm gia đình.
* Giữ vai trò làm vợ
Đời sống hôn nhân của không ít đôi vợ chồng bắt đầu trục trặc khi đứa con đầu lòng chào đời. Người vợ đôi khi vì dành hết thời gian chăm sóc con mà quên đi quyền lợi và nghĩa vụ làm vợ của mình, khiến cho nhiều người chồng cảm thấy hụt hẫng. Hãy lấy lại cân bằng cho cả hai vai trò quan trọng này bằng cách dành thời gian và tận dụng mọi cơ hội để hai người được bên nhau, đặc biệt là những khoảnh khắc riêng tư. Đồng thời, tạo điều kiện cho người chồng tham gia vào quá trình chăm sóc con để cùng chia sẻ ý nghĩa của việc làm mẹ cũng như tạo sự gắn kết giữa vợ chồng với đứa trẻ và giữa vợ chồng với nhau. Bạn có thể đặt ra những “quy định” nhỏ về việc bố trí thời gian dành cho người chồng như dành một buổi tối trong tuần để nấu bữa tối, xem một bộ phim trên ti vi hoặc chỉ là để cùng đi siêu thị. Những khoảnh khắc riêng tư sẽ tạo cho cả hai những cảm xúc, động lực để không bị xa cách bởi sự bận rộn dành cho con cái cũng như để củng cố vị trí người vợ/người chồng trong suy nghĩ của nửa kia.
* Duy trì ngọn lửa tình yêu và thể hiện tình yêu
Truyền thống của người Việt Nam luôn coi trọng sự riêng tư trong những mối quan hệ thân mật như vợ chồng. Đó là một truyền thống tốt và phù hợp với văn hóa Việt Nam, tuy nhiên đôi khi nó cũng làm ngăn trở sự phát triển tự nhiên của cảm xúc trong các mối quan hệ gia đình. Các nghiên cứu khoa học đưa ra một số kết luận như trẻ em sống trong môi trường gia đình nhiều tình yêu sẽ có điều kiện để phát triển tự tin, lạc quan hơn và có xu hướng hành xử tích cực với mọi người xung quanh khi trưởng thành.
Là người vợ, bạn nên bày tỏ tình yêu, sự chăm sóc, gắn bó với người chồng trước mặt các con để các con ý thức được về mối quan hệ giữa cha mẹ, học được cách bày tò tình cảm, quan tâm tới người khác. Đồng thời sự khéo léo của người vợ khi duy trì ngọn lửa tình yêu sẽ làm sự đam mê giữa vợ chồng thêm dài, tránh tạo cảm giác nhàm chán, nhạt nhẽo, không cần thiết dễ làm tăng các nguy cơ phai nhạt tình cảm.
Công việc và gia đình có thể làm bạn mệt mỏi và bận rộn, nhưng đừng quên tặng chồng những nụ cười, ánh mắt vui tươi, câu chuyện cần chia sẻ, cũng như lắng nghe tâm tư của chồng một cách cởi mở, chân thành. Vì nếu cả hai ít trò chuyện với nhau hoặc tệ hơn là không có gì để nói thì quan hệ vợ chồng sẽ xấu đi.
Đặc biệt, cần quan tâm tới mối quan hệ giữa vợ và chồng trong chốn phòng the, bởi đây là bí quyết duy trì hôn nhân bền vững. Bạn hãy cùng chồng chủ động và sáng tạo khơi nguồn đam mê để đời sống tình dục luôn được mới mẻ. Ham muốn tình dục có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố như mệt mỏi, stress, trầm cảm hoặc sự tẻ nhạt, nhàm chán… Do vậy, bạn đừng giam hãm và ngừng sinh hoạt vợ chồng mà hãy quyến rũ, thể hiện ham muốn và duy trì đều đặn “ngọn lửa đam mê” cùng chồng. Sự thờ ơ, rập khuôn trong tình dục dễ giết chết tình yêu. Khi chồng gặp “sự cố”, bạn hãy cảm thông và động viên, không vội thất vọng, chê trách.
* Thủy chung: Đây là một trong những yếu tố hàng đầu giúp duy trì hạnh phúc, tình yêu và sự bền vững của mỗi gia đình. Cho dù có thể có những người đàn ông mang trong mình những phẩm chất, điều kiện tốt hơn chồng bạn nhưng tình yêu, sự quan tâm, sự gắn bó giữa hai người không phải dễ dàng có được trong một sớm một chiều. Đừng nên vội vã từ bỏ hạnh phúc của mình chỉ vì một vài giây phút yếu lòng.
* Trung thực và tin tưởng: Sự lừa dối và thiếu lòng tin là kẻ thù của hạnh phúc gia đình, của tình yêu. Hôn nhân cũng đồng nghĩa với việc bạn đã cam kết trung thực với người bạn đời của mình đến trọn đời. Sự trung thực và tin tưởng là hai mặt của một vấn đề về sự cho và nhận, bạn cho đi sự trung thực và sẽ nhận lại sự tin tưởng, toàn tâm toàn ý. Do vậy, cho dù trong cuộc sống có những thay đổi, bất trắc, khó khăn thì người vợ cần giữ sự trung thực với người chồng của mình bằng việc tạo thói quen luôn chia sẻ những vấn đề trong gia đình, không ngần ngại nói ra những khúc mắc, khó khăn hai vợ chồng, không dấu giếm những bí mật có thể gây tổn hại tới quan hệ của hai người và hạnh phúc của gia đình.
Sự tin tưởng cũng là một trong những viên gạch quan trọng để xây dựng nên nền móng tình yêu của vợ và chồng. Tin tưởng là cách thể hiện sự ủng hộ, giao phó cuộc đời cho người bạn đời của mình. Cuộc sống hiện đại với nhiều cám dỗ dễ làm ảnh hưởng tới sự chung thủy của người chồng với người vợ, vậy làm thế nào để duy trì sự tin tưởng cũng như làm thế nào để lấy lại được sự tin tưởng khi người chồng đã trót sai lầm một lần. Khi ấy, hãy thẳng thắn nói với người chồng về việc bạn đã suy nghĩ và trăn trở những gì khi lừa dối và giờ đây đang muốn cho người đó một cơ hội mới. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn sống và thấp thỏm rằng lịch sử có thể lặp lại một lần nữa, hãy tự vấn tại sao bạn rộng lượng ở lần đầu tiên. Nếu bởi đó là vì tình yêu, hãy cho người bạn đời biết những hoài nghi của bạn, còn bản thân bạn hãy tự cho phép mình tin tưởng một lần nữa. Một khi bạn không thể tin tưởng được nữa thì chắc chắn mối quan hệ của vợ chồng bạn sẽ rất khó khăn.
* Giữ hòa khí trong gia đình
Trong cuộc sống gia đình sẽ có nhiều lúc sóng gió, bất hòa. Để tránh xung đột, bạn hãy học cách ứng xử khéo léo, tế nhị. Trước hết là bằng lời nói. Đừng vội to tiếng tranh cãi, khiển trách, chê bai mà hãy biết tìm một điểm tốt dùng lời khen ngợi trước khi phê bình. Thứ hai là cần biết thấu hiểu và cảm thông. Chính lòng nhân ái, vị tha sẽ giúp bạn giảm được sự căng thẳng, tức giận, bình tĩnh để phân biệt sự đúng – sai, nhằm giải quyết tốt các mâu thuẫn nảy sinh. Thứ ba, biết nhận lỗi khi bạn có lỗi, tránh “bé xé ra to” hoặc tranh cãi không cần thiết.
* Tổ chức đời sống gia đình ngăn nắp và chi tiêu hợp lý:
Tổ chức cuộc sống gia đình là trách nhiệm của cả phụ nữ và nam giới và do đặc thù của sự phân công vai trò trong gia đình Việt Nam thì đến nay, trách nhiệm này vẫn thường do người phụ nữ đảm nhiệm. Người vợ phải là người chủ gia đình, nắm vững được điều kiện hiện có về tài chính, đặc thù công việc, thời gian sinh hoạt cũng như nhu cầu, đặc điểm của từng thành viên để có kế hoạch sắp xếp cuộc sống cho phù hơp. Mọi hoạt động trong gia đình từ sinh hoạt thường ngày như ăn, mặc, ở, nghỉ ngơi cho tới việc chăm sóc sức khỏe các thành viên hay kế hoạch tiết kiệm, phân bổ chi tiêu thì người phụ nữ đều cần có kế hoạch.
Bạn phải có kế hoạch chi tiêu hợp lý và tiết kiệm, tránh quá tằn tiện hoặc hoang phí. Ngoài ra, bạn cần cùng chồng và con tổ chức những bữa cơm ngon và đủ dinh dưỡng. Một cuộc sống gia đình được tổ chức tốt, thỏa mãn các nhu cầu của các thành viên và có sự chia sẻ trách nhiệm, tình yêu thương chính là sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình bạn.