Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel: Vượt qua khó khăn, gặt hái quả ngọt

Trong năm 2020, có thể nói tình hình kinh tế tương đối khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Hầu hết các khối doanh nghiệp, ngay cả các doanh nghiệp trong tập đoàn Viettel cũng bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã có những con số tăng trưởng rất ấn tượng cả về doanh thu cũng như về lợi nhuận và đặc biệt là những thành tích về đăng ký bảo hộ sáng chế, trong đó có 4 bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ.

VTOPIC – định hướng cho phát triển

“Năm 2020 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ VHT đã đoàn kết, quyết tâm, chủ động khắc phục khó khăn và gặt hái quả ngọt” – đó là chia sẻ của Phó Tổng giám đốc VHT Nguyễn Cương Hoàng với các nhà báo tại buổi tọa đàm “VHT với hoạt động sở hữu trí tuệ và sáng chế quốc tế” diễn ra mới đây tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. VHT thành lập đến tháng 1 năm 2021 là tròn 10 năm. Đây là 10 năm chuẩn bị để phát triển như hiện tại. Chuẩn bị phát triển về mặt con người, công nghệ, cơ sở hạ tầng…

Phó Tổng giám đốc VHT Nguyễn Cương Hoàng chia sẻ về những thành tựu của VHT tại buổi tọa đàm “VHT với hoạt động sở hữu trí tuệ và sáng chế quốc tế”.

Ông Hoàng cho biết, một trong những từ khóa của VHT là chữ VTOPIC – định hướng cơ bản trong nghiên cứu: V (Virtual): dùng các công cụ mô phỏng để hỗ trợ cho quá trình nghiên cứu; T (Technology): đi theo lĩnh vực nghiên cứu và phát triển từ công nghệ gốc, công nghệ cốt lõi, công nghệ mới nhất (latest technology); O (Open): cởi mở trong nội bộ, cởi mở ra bên ngoài (sẵn sàng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trên cơ sở mình làm chủ); P (People): tuyển những kỹ sư tài năng, trong đó có hơn 30% là TS, ThS từ nước ngoài về, có những chuyên gia quốc tế hàng đầu (ở Mỹ, Singapore, Đài Loan) và các chuyên gia đang ngồi chính ở Viêt Nam cùng đồng lòng phát triển; I (Infrastructure): đầu tư khoảng vài trăm tỷ cho hạ tầng nghiên cứu gồm các lab, các công cụ, phần mềm mô phỏng…; C (Challenge – thách thức):  đã đặt các mục tiêu cao với nhiều thách thức.

Sáng chế nổi bật

VHT hoạt động ở 3 lĩnh vực chính: công nghệ quân sự; công nghệ viễn thông; và thiết bị dân dụng. Là đơn vị chủ lực của Viettel trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, VHT đã đăng ký 276 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp,  trong đó năm 2020 đã hoàn thành nghiên cứu 48 công nghệ lõi ứng dụng vào sản phẩm, đăng ký và được chấp nhận 66 đơn bảo hộ sáng chế. Tính đến nay, VHT đã có 31 sáng chế, 15 giải pháp hữu ích, 13 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.

Đặc biệt, VHT có 4 sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ, đó là: 1) “Phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đa vi xử lý” – Trung tâm Nghiên cứu OCS; 2) “Phương pháp phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu, ứng dụng trong đài radar cảnh giới bờ” – Trung tâm Radar; 3) “Sáng chế về cơ cấu trợ lực cho Robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số” – Trung tâm Mô hình mô phỏng; 4) “Phương pháp hiệu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn trong hệ thống trạm thu phát gốc vô tuyến” – Trung tâm Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng.

Cán bộ của VHT giới thiệu về sản phẩm phục vụ chăm sóc sức khỏe do VHT nghiên cứu và phát triển

Trên thế giới hiện nay, Hoa Kỳ được coi là một trong những nước có nhiều sáng chế nhất. Các bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi Cơ quan Đăng ký nhãn hiệu và sáng chế Hoa Kỳ sẽ phải qua rất nhiều quy trình kiểm duyệt, đánh giá ngặt nghèo nhất thế giới. Vì vậy, để được cơ quan này cấp phép bằng sáng chế là quá trình vô cùng khó khăn. Ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Thẩm định sáng chế, Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: trong 5 năm gần đây, số lượng đơn đăng ký bằng sáng chế của Viettel tăng liên tục. Việc Viettel có 4 bằng sáng chế được Mỹ cấp có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định năng lực công nghệ và định hướng phát triển mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt.

Ông Nguyễn Vũ Hà – Tổng giám đốc VHT cho biết, bằng sáng chế do Hoa Kỳ bảo hộ là sự ghi nhận những kết quả nghiên cứu khoa học, qua đó, khẳng định con người Việt Nam có thể sánh vai với các tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, LG, Nokia… Quyền sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nghiệp tiến vào đấu trường quốc tế.

Nói về những định hướng trong thời gian tới của VHT, ông Nguyễn Cương Hoàng – Phó Tổng giám đốc VHT cho biết, đối với mạng 5G, Viettel đang đi đồng hành cùng thế giới. Dự kiến đến tháng 6 năm 2021, chúng tôi sẽ thương mại hóa thiết bị 5G đầu tiên và tiếp theo là toàn bộ mạng lưới 5G đầy đủ. Ví dụ như các thiết bị Macro, mạng lõi 5G… mục tiêu là tiến tới trang bị 100% cho mạng 5G của Viettel và các đối tác khác trong nước.

Đối với mạng 5G, Viettel đang đi đồng hành cùng thế giới.

Đối với các thiết bị phục vụ cho chuyển đổi số, VHT sẽ đẩy mạnh vào dòng sản phẩm phục vụ an ninh, an toàn, sức khỏe như: camera thông minh, các dịch vụ phục vụ cho chăm sóc sức khỏe từ xa, các thiết bị y tế phục vụ chiến lược dài hạn (mỗi người dân và mỗi gia đình có một trợ lý ảo thông minh)… “Ngoài ra, năm nay, chúng tôi sẽ ra mắt 2 sản phẩm về IC đầu tiên có thể thương mại hóa của Việt Nam, trực tiếp làm cho công nghệ hiện đại nhất là công nghệ 5G, các sản phẩm cao tần và xử lý số tốc độ cao” – Phó Tổng giám đốc VHT Nguyễn Cương Hoàng chia sẻ.

VVH