Tâm sinh lý giai đoạn tuổi thiếu niên ( 11-15 tuổi)

Tuổi thiếu niên được xác định trong khoảng từ 11 – 15 tuổi. Đây là giai đoạn có nhiều thay đổi cả về tâm sinh lý và xã hội dẫn đến những biến đổi sâu sắc về mặt tâm lý, nhân cách. Giai đoạn tuổi thiếu niên thường được gắn với những cách gọi như “tuổi bất trị” , ” khủng hoảng tuổi thiếu niên”. Việc nắm được những đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này là rất cần thiết để các bậc cha mẹ có cách đối xử tác động tới con phù hợp.

Sự phát triển về mặt sinh lý

Giai đoạn này cơ thể đang diễn ra quá trình cải tổ hình thái sinh lý một cách mạnh mẽ và mang tính chất không cân đối.

Về chiều cao: đây là thời kỳ nhẩy vọt về tầm vóc, xương tay chân dài ra nhưng xương ngón tay, ngón chân lại phát triển chậm. Điều này làm cho hoạt động của trẻ trở nên lóng ngóng vụng về.

Về hệ cơ: chứa nhiều nước, chưa phát triển hết nên các em chóng mệt và không có khả năng làm việc cao. Ở cuối giai đoạn này, khối lượng cơ và lực cơ phát triển mạnh đặc biệt là ở các em trai.

Về hệ xương: xương sống và xương tứ chi phát triển mạnh nhưng xương lồng ngực phát triển chậm vì thế làm cho các em có vẻ gầy còm, không cân đối.

Về hoạt động tim mạch: sự phát triển của hệ thống tim mạch cũng không cân đối. Thể tích của tim tăng rất nhanh, hoạt động của tim mạnh mẽ hơn, nhưng kích thước của mạch máu lại phát triển chậm. Do đó có một số rối loạn tạm thời của hệ tuần hoàn, tăng huyết áp, tim đập nhanh, gây nhức đầu chóng mặt mệt mỏi khi làm việc.

Sự trưởng thành về mặt sinh dục: đây là yếu tố quan trọng của sự phát triển thể chất, trong giai đoạn này gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý các em. Đặc điểm giới tính bộc lộ rõ nét và tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động (ở các em nữ xuất hiện hiện tượng kinh nguyệt, ở các em nam xuất hiện hiện tượng xuất tinh lần đầu). Sự dậy thì đã kích thích ở lứa tuổi này mối quan tâm đến người khác giới làm nẩy sinh những rung cảm, xúc cảm giới tính mới lạ.

 Dậy thì sớm và các biện pháp can thiệp

Biểu hiện bất thường về giới trước 10 tuổi đối với bé trai, và trước 9 tuổi đối với bé gái. Những biểu hiện đó thường là:

     + Trẻ gái: có tuyến vú, có lông sinh dục và bắt đầu có thể có kinh nguyệt

     + Trẻ trai: cơ bắp phát triển, giọng nói trầm ồm, có ria mép, dương vật dài ra, có lông sinh dục và có thể xuất tinh (đôi khi trẻ còn thủ dâm)

   Dậy thì sớm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của trẻ: tầm vóc bất thường khiến trẻ bị bạn bè trêu chọc, dễ bị các đối tượng xấu lạm dụng tình dục…, khi trưởng thành thường có chiều cao thấp hơn các bạn cùng độ tuổi.

Biện pháp can thiệp: Muốn điều trị trước hết cần xác định trẻ dậy thì sớm theo thể nào trong hai thể chính (Dậy thì sớm thể thực, dậy thì sớm giả) để có hướng điều trị phù hợp.

Những lời khuyên chung dành cho người lớn: kiểm soát các nguồn thông tin trẻ tiếp nhận từ bên ngoài, dạy cho trẻ kỹ năng tự phòng vệ để tránh bị lợi dụng tình dục…

Sự phát triển về mặt xã hội

Địa vị của các em trong gia đình đã thay đổi, được gia đình thừa nhận là một thành viên tích cực, được giao nhiệm vụ cụ thể, được tham gia bàn bạc một số công việc của gia đình.

Ở nhà trường, hoạt động học tập có nhiều thay đổi tác động mạnh đến đời sống tâm lý của các em.

Ngoài xã hội lứa tuổi này được thừa nhận như một thành viên tích cực, tham gia hoạt động công tác xã hội. Vì thế mối quan hệ của các em được mở rộng, tầm hiểu biết, kinh nghiệm sống, nhân cách của các em được phát triển phong phú hơn so với các giai đoạn trước.

Sự phát triển của các quá trình nhận thức

–   Tri gác: khối lượng tri giác tăng lên, có trình tự, có kế hoạch và hoàn thiện hơn, có khả năng phân tích và tổng hợp phức tạp khi tri giác sự vật và hiện tượng.

–   Trí nhớ: trí nhớ dần dần mang tích chất có điều khiển, điều chỉnh và có tổ chức.

–   Tư duy: đặc điểm nổi bật của hoạt động tư duy là sự thay đổi mối quan hệ giữa tư duy hình tượng sang tư duy trừu tượng, khái quát mà sự chiếm ưu thế của tư duy trừu tượng là đặc điểm cơ bản về hoạt động tư duy ở lứa tuổi này.Tính phê phán của tư duy cũng được phát triển.

Đời sống tình  cảm:

Tình cảm của các em sâu sắc, phong phú, đa dạng và phức tạp hơn ở giai đoạn trước. Tuy nhiên rất dễ xúc động, mang tính bồng bột, dễ bị kích động, vui buồn chuyển hoá nhanh chóng. Trong mối quan hệ với bạn bè xuất hiện tình cảm khác giới, có nguyện vọng được bạn khác giới quan tâm, yêu thích.

Tình cảm bắt đầu phục tùng ý chí, tình cảm đạo đức phát triển mạnh, tình cảm bạn bè, tình tập thể, tình đồng chí cũng được phát triển. Xuất phát từ việc coi trọng tình bạn, muốn giao tiếp với bạn cùng tuổi mà ở các em có nguyện vọng được khẳng định vị trí của mình trong tập thể. Các em có khát vọng mạnh mẽ đó là muốn chiếm vị trí được tôn trọng trong nhóm bạn bè cùng tuổi. Nguyện vọng này thể hiển nhu cầu tự khẳng định và có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển tâm lý, nhân cách của thiếu niên.  Các em có cảm xúc nặng nề nếu quan hệ với bạn bị tổn thương, mất bạn, sự tẩy chay của bạn bè.

Khuynh hướng muốn làm người lớn:

Khuynh hướng muốn làm người lớn thể hiện về nội dung và hình thức như trong học tập các em muốn độc lập lĩnh hội tri thức, có quan điểm và lập luận riêng. Trong phạm vi ý thức xã hội, các em đòi hỏi mong muốn người lớn quan hệ, đối xử với mình bình đẳng như đối xử với người lớn. Tuy nhiên sự không thay đổi và cách ứng xử giữa người lớn với các em gây ra không ít những xung đột ở lứa tuổi này.

Có ý thức rõ rệt về giới tính, quan tâm đến đời sống tình cảm của người lớn vì thế lứa tuổi này thường có tâm lý phóng đại các năng lực của mình, thường đánh giá cao hơn hiện thực, thể hiện dưới dạng bướng bỉnh, tỏ ra bất cần trước những việc làm hàng ngày cũng như những thất bại mà các em trải nghiệm.

Sự khủng hoảng trong lứa tuổi thiếu niên

Nguyên nhân bên ngoài: vị trí xã hội của thiếu niên có sự thay đổi, các em có vị trí trung gian không ổn định giữa người lớn và trẻ em, cùng với việc các em được giao nhiệm vụ nhiều hơn, được người lớn đòi hỏi sự cư xử nghiêm chỉnh hơn.

Nguyên nhân bên trong: thiếu niên ý thức được sự phát triển của cơ thể theo hướng người lớn, cùng với việc xuất hiện sự rung cảm mới của các em.

Sự phát triển nhân cách

Các em thường cố gắng bắt chước những mẫu người lý tưởng mà các em tự lựa chọn làm thần tượng của mình. Sự phấn đấu vươn lên theo hình mẫu lý tưởng đó giúp thiếu niên hình thành những phẩm chất ý chí như: sức mạnh, lòng dũng cảm, tinh thần vượt khó khăn để đạt mục đích. Tuy nhiên sự ngưỡng mộ, sùng bái các giá trị này không phải lúc nào cũng phát triển theo chiều hướng phù hợp với những giá trị đạo đức xã hội tích cực.

Sự phát triển của tự ý thức

Sự hình thành tự ý thức ở các em là quá trình diễn ra dần dần. Cơ sở đầu tiên của sự tự ý thức là sự tự đánh giá của người khác, nhất là người lớn. Dần dần các em bắt đầu có khuynh hướng độc lập phân tích và đánh giá nhân cách của mình hơn.

Sự hứng thú

Hứng thú của thiếu niên phát triển khá mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thể hiện ở sự quan tâm đến kết quả hoạt động, đến bản chất, ý nghĩa của hoạt động, thể hiện ở thái độ tích cực với hiện tượng khách quan.

Tuy nhiên hứng thú các em còn nhiều hạn chế cụ thể như:

– Do muốn thoả mãn nhiều lĩnh vực nên hứng thú còn tản mạn, chưa ổn định, dễ      thay đổi.

– Hứng thú chủ yếu thiên về hoạt động thực tiễn có tính chất kỹ thuật đơn giản.

– Hứng thú còn mang tính chất bay bổng thiếu thực tế.

Vệ sinh tâm lý tuổi thiếu niên

Ở lứa tuổi này nhân cách của các em được phát triển một cách mạnh mẽ, tự ý thức đã bắt đầu hình thành các quan niệm về cuộc sống rõ ràng hơn và các quan hệ xã hội bước đầu được mở rộng. Hoạt động chủ đạo của trẻ lúc này là học tập. Các biện pháp vệ sinh tâm lý được đan xen với hoạt động học tập cho trẻ. Cần tránh tạo gánh nặng trí tuệ và tránh thúc ép các em học quá sức, cả về văn hóa, thể thao, âm nhạc, hội họa …

Ở cuối lứa tuổi này, trẻ dễ có những khủng hoảng tâm lý đi kèm với những biến đổi mạnh mẽ về sinh lý. Đối với trẻ em gái, nếu không được chuẩn bị chu đáo về tâm lý cho lần thấy kinh nguyệt đầu tiên các em dễ bị những mặc cảm nặng nề, ở trẻ em trai sự phát triển tâm lý giới tính cũng chuyển sang thời kỳ mới. Nếu các em bị những tác động xấu của video đen, phim ảnh đồi trụy… thì rất dễ có những hành vi chống đối xã hội, phi đạo đức.

Các biện pháp vệ sinh tâm lý đối với lứa tuổi này gắn liền với công tác giáo dục của nhà trường, sự quan tâm của gia đình và xã hội.

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…