Quy trình đánh giá học sinh còn cứng nhắc, giáo viên mỏi tay viết nhận xét

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

  –  

Thứ ba, 03/05/2022 09:04 (GMT+7)

Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT) quy định giáo viên phải nhận xét học sinh bằng điểm số, nhận xét (ngoại trừ môn Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật). Điều này gây áp lực rất lớn lên giáo viên.

Quy trình đánh giá học sinh còn cứng nhắc, giáo viên mỏi tay viết nhận xét
Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Năm học 2021-2022 sắp bước vào giai đoạn kết thúc với vô số công việc giáo viên phải hoàn thành: Ôn tập, kiểm tra, chấm bài, nhập điểm, nhật xét… Tuy là công việc thường xuyên nhưng vẫn còn một số thầy cô thắc mắc về quy định giáo viên phải nhận xét học sinh bằng điểm số, nhận xét (trừ môn Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật).

Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT áp dụng đối với lớp 6  trong năm học 2021-2022, việc nhận xét, đánh giá học sinh, có thể dùng lời nói hoặc viết. Giáo viên không phải vất vả vì nhận xét, đánh giá học sinh. Quy định này là điều nhiều thầy cô rất hoan nghênh.

Ngược lại theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT) áp dụng đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trong năm học 2021-2022, giáo viên lại phải ghi quá nhiều nhận xét đối với học sinh bên cạnh đánh giá bằng điểm số.

Cụ thể sau khi kết thúc học kỳ 1 rồi học kỳ 2 và cả năm, thầy cô bộ môn và giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện hai yêu cầu đối với từng học sinh:

– Đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.

– Đánh giá bằng điểm số kết quả thực hiện các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng đối với môn học quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, kết quả đánh giá theo thang điểm 10, nếu sử dụng thang điểm khác thì phải quy đổi về thang điểm 10.

Hiện nay, một giáo viên có thể dạy hàng chục lớp, mỗi lớp 40 học sinh, tổng cộng dạy hàng trăm học sinh trong một học kỳ. Việc ghi nhận xét, đánh giá từng em sau mỗi học kỳ thật vô cùng vất vả, không cần thiết bởi các lý do sau:

Thứ nhất, giáo viên không thể theo dõi và nhớ từng ấy học sinh mình dạy để nhận xét cho chính xác được. Chưa kể, khi chấm bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ thầy cô đã có ghi điểm và nhận xét trực tiếp vào bài làm của học sinh rồi.

Thứ hai, thầy cô dễ nhầm lẫn giữa em này với em khác rồi dẫn đến ghi trùng lời nhận xét vì quá nhiều học sinh, mỗi học sinh được hai mươi sáu lần đánh giá bằng nhận xét (13 môn học) trong một năn học, chưa kể đánh giá nhận xét cuối năm của giáo viên chủ nhiệm.

Trong một năm học, mỗi học sinh được 26 lần đánh giá bằng nhận xét (13 môn học và hai lần cuối kỳ) và giáo viên phải ghi hơn 800 nhận xét có cần thiết không? Đồng ý việc đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số là đánh giá được toàn diện học sinh hơn về năng lực và phẩm chất, tuy nhiên có quá nhiều đánh giá nhận xét như nói trên là sự dàn trải không tập trung trong đánh giá năng lực phẩm chất của học sinh dẫn đến sẽ có thể thiếu chính xác lãng phí không ít thời gian của thầy cô.

Bên cạnh đó, do phải viết quá nhiều nhận xét như nói trên nên thầy cô chỉ nhận xét có tính chung chung và trùng lặp: Học được; có cố gắng; hoàn thành tốt… mà không có ý nghĩa về đánh giá phẩm chất năng lực của học sinh theo mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thầy cô cho rằng, đó chỉ là hình thức không thiết thực, tốn thời gian thêm áp lực cần thay đổi.

Để việc nhận xét có hiệu quả giáo dục học sinh thiết thực, nên chăng giao việc đánh giá bằng nhận xét cho giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện có phối hợp với giáo viên bộ môn.

Chẳng hạn, chỉ cần sử dụng phần mềm Vnedu, giáo viên bộ môn vào điểm và giáo viên chủ nhiệm sẽ nhận xét từng em một cách ngắn gọn sau khi đã trao đổi cụ thể với giáo viên bộ môn. Lúc này, một giáo viên chủ nhiệm cũng chỉ phải nhận xét nhiều nhất từ 40 đến 45 học sinh/lớp và việc đánh giá học sinh sẽ đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Rất mong có hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này để thầy cô không cần phải suy nghĩ “nát óc” ghi hàng trăm nhận xét trong sổ theo dõi, đánh giá học sinh và lại phải nhập nhận xét vào sổ điểm điện tử (Vnedu) cho các học sinh như hiện nay.