Những yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp của giáo viên mầm non trong giai đoạn hiện nay

     Trước hết để trở thành một giáo viên mầm non, thì người giáo viên phải có lòng yêu trẻ vì đặc thù của nghề giáo viên mầm non đòi hỏi các giáo viên như tình yêu của người mẹ đối với trẻ. Một ngày, trẻ có gần 2/3 thời gian sinh hoạt ở trường với cô (không tính giờ trẻ ngủ ở nhà). Cô cho ăn, cô dỗ ngủ, cô dạy cho bé tất cả mọi điều cần thiết từ: Kỹ năng sống, kiến thức về môi trường xung quanh, về toán, về văn học, chữ viết, về thẩm mỹ, hội họa, âm nhạc, phát triển thể chất… và không những thế, trẻ còn mong chờ ở cô sự quan tâm, chăm sóc, sự giúp đỡ, trìu mến, bảo vệ trẻ. Nhưng để thực hiện tốt những điều đó thì bản thân mỗi giáo viên mầm non cần nỗ lực phấn đấu, rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

     Người giáo viên mầm non cần thực hiện tốt các yêu cầu cơ bản cụ thể sau:

     * Đối với trẻ:

     Yêu thương, không cáu gắt, đánh, mắng, trách phạt trẻ. Vì chỉ yêu thương trẻ như con em mình thì GVMN mới CSGD trẻ được đúng như vai trò người mẹ hiền. Thứ 2, trẻ càng nhỏ thì càng phải dành nhiều tình yêu thương, sự quan tâm hơn nữa. Khi có lòng yêu trẻ sẽ giúp GV vượt qua những khó khăn thử thách trong công việc.

     Đối xử công bằng với tất cả trẻ, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân trẻ. Không phân biệt hay kì thị về giới tính, sắc tộc, tôn giáo hay địa vị kinh tế, xã hội cũng như hoàn cảnh gia đình trẻ. Luôn cởi mở, vui vẻ với trẻ, tích cực tìm hiểu phát hiện sự khác biệt giữa các trẻ và giúp đỡ trẻ trong những tình huống cụ thể, thỏa đáng.

     Luôn thấu hiểu trẻ, nắm bắt được nhu cầu cá nhân của trẻ, hiểu được trạng thái tâm lí và diễn biến tình cảm của trẻ, nhận ra những thay đổi dù nhỏ từ đó tìm hiểu nguyên nhân và xử lí hợp lí. Cần giúp trẻ biết thể hiện tình cảm của mình với mọi người xung quanh một cách phù hợp.

     Tạo được niềm tin yêu, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin và phát triển hơn. Khi những giáo CSGD trẻ bằng cả tâm huyết của mình đem đến cho trẻ niềm vui, hạnh phúc thì trẻ sẽ luôn mong ước được ngày ngày đến trường, được gần gũi cô và bạn.

Một số hình ảnh hoạt động học của các cháu

Một số hình ảnh hoạt động trải nghiệm của các cháu

     * Đối với nghề nghiệp:

     Yêu nghề vì khi giáo viên yêu nghề sẽ yêu thích việc CSGD trẻ và sẽ nhận ra những thành công của mình trong sự thay đổi và phát triển ở trẻ từ đó luôn mong muốn làm được những điều tốt đẹp hơn nữa cho trẻ.

     Thật sự kiên nhẫn, biết chờ đợi, lắng nghe, không nổi nóng, không làm trẻ hoảng sợ, biết kiểm soát cảm xúc.

     Có tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo chất lượng CSGD và phát triển các kỹ năng của trẻ. Giáo viên cần có trách nhiệm trước trẻ, phụ huynh, cộng đồng xã hội và sự phát triển lâu dài, bền vững của trẻ. Đó là trách nhiệm giáo dục nhân cách, đạo lí làm người cho trẻ, dạy trẻ kỹ năng sống và khả năng thích nghi trong mọi hoàn cảnh tạo cho trẻ có năng lực nhận thức và sáng tạo.

     Nhận thức được giới hạn hành vi trong nghề nghiệp và phải có được bản lĩnh chính trị của mình trước áp lực công việc, kinh tế thị trường. GVMN dám nghĩ dám làm, tận tụy CSGD trẻ, tránh được những cám dỗ tư lợi cá nhân.

     Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có tinh thần tự đấu tranh để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực của đời sống kinh tế thị trường, cám dỗ trong cuộc sống, không đánh mất vị trí cao đẹp của mình.

Một số hình ảnh hoạt động của Giáo viên Mầm non

     * Đối với bản thân:

     Biết giữ gìn đạo đức, giữ gìn hình ảnh của mình trong các hoạt động nghề nghiệp cũng như trong cuộc sống. Luôn có ý thức tôn trọng pháp luật, giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên quyết đấu tranh với cái sai, cái chưa đúng.

     Biết giữ gìn uy tín của bản thân đã được hình thành qua chính công tác CSGD trẻ. Đó là 1 quá trình khổ luyện nên mỗi giáo viên phải cố gắng không ngừng để đạt được mục đích là hình thành và phát triển tiền đề của nhân cách, đảm bảo sự phát triển lâu dài và bền vững của trẻ.

     Biết trọng danh dự, coi trọng những vinh dự của bản thân, của nghề nghệp. Biết bảo vệ và phát huy những giá trị tinh thần cao quý của nghề dạy trẻ.

     Cần tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong CSGD trẻ đồng thời năng động, sáng tạo, vận dụng tốt chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước.

     Tự giác rèn luyện, hun đúc phẩm chất nghề nghiệp.

     Mạnh dạn, công khai hơn trong việc phê bình và tự phê bình.

     Tạo dựng tấm gương mẫu mực về phẩm chất, phong cách nhà giáo. Không ngừng tu dưỡng đạo đức, giữ gìn sự đoàn kết, thân thiện, lối sống trong sạch, giản dị.

     * Đối với phụ huynh:

     Giữ thái độ đúng mực trong giao tiếp, ứng xử, tạo niềm tin của phụ huynh bằng chính tình yêu với trẻ cũng như sự đối xử công bằng với trẻ, phụ huynh.

Tuyên truyền kiến thức, kĩ năng chăm sóc, giáo dục trẻ đến các bậc phụ huynh. Phối kết hợp trong các hoạt động CS,GD trẻ.

Một số hình ảnh Phụ huynh tham gia hoạt động trải nghiệm cùng các cháu

     * Đối với đồng nghiệp và cấp trên:

     Đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp trong rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp cũng như chyên môn, nghiệp vụ. Có ý thức xây dựng tập thể đoàn kết, thân thiện.

     Giao tiếp và ứng xử với cấp trên theo tinh thần lắng nghe, cầu tiến, chấp hành tốt nhiệm vụ, biết giữ gìn, bảo vệ uy tín, danh dự cho cấp trên, tạo không khí vui vẻ, thân thiện…

     Trong hoạt động phối hợp với cấp trên và đồng nghiệp phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ.

     Những bạn trẻ bắt đầu vào nghề và đang chập chững với nghề, để tồn tại và trở thành một giáo viên mầm non giỏi, trước hết hãy tập làm “Mẹ”. Yêu trẻ không chỉ bằng lời nói, bằng suy nghĩ mà bằng chính hành động, bởi: “Càng yêu nghề bao nhiêu, càng yêu người bấy nhiêu”. Nghề giáo viên mầm non với biết bao khó khăn, lo toan và áp lực, nhưng với tình yêu người, yêu nghề, những cô giáo mầm non hôm qua, hôm nay và mai sau đã và đang tiếp bước xây dựng trang sử vàng góp phần đổi mới ngành giáo dục mầm non ngày càng phát triển.!.

                                                                                                            Người viết

                                                                                              Lê Thị Mai