Những thách thức mới về công tác dân số trên địa bàn tỉnh trong tình hình hiện nay – Chi tiết tin tức – Sở Thông tin & truyền thông

Thực hiện Nghị quyết TW Đảng lần thứ 4 khóa VII về Chính sách DS-KHHGĐ, đến nay, công tác DS-KHHGĐ cả nước đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật như khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt được trước 10 năm và duy trì, ổn định được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020 – 2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 tuổi lên 75,6 tuổi (cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người).

Các kết quả trên góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống nhân dân, giảm tình trạng đói nghèo, tăng cường bình đẳng giới…, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Để có được những kết quả trên, trong tất cả các giải pháp, quan trọng nhất vẫn là truyền thông thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của người dân. Trong những năm qua công tác truyền thông, chuyển đổi hành vi của ngành Dân số đã có nhiều hiệu quả. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và bằng sự nhiệt tình, kinh nghiệm, sự hiểu biết, kiên trì, uy tín và cách tuyên truyền phong phú của mình, các cộng tác viên dân số là những mắt xích quan trọng tạo nên thành công của công tác DS&PT. Với Chiến dịch truyền thông lồng ghép đưa dịch vụ KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, công tác truyền thông đã tạo nên bước chuyển biến rất rõ rệt trong nhận thức của người dân, rất nhiều người dân đã hiểu sâu sắc hơn và tự nguyện tham gia vào công tác DS&PT. 

Tuy nhiên, hiện nay, công tác DS&PT của cả nước nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều vấn đề mới nảy sinh. Đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỉnh Bắc Giang có hơn 1,84 triệu dân. Tốc độ tăng dân số tự nhiên là 1,15%/năm. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng. Tỉ số giới tính khi sinh cao với 126,3 trẻ trai/100 trẻ gái (cả nước là 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái)

 Điều này đặt ra những nội dung mới, nhiệm vụ mới và thử thách mới cho công tác truyền thông dân số và phát triển trên địa bàn tỉnh. Vấn đề dân số và phát triển là một việc lớn và mới hoàn toàn khác với nội dung dân số kế hoạch hóa gia đình. Do vậy công tác truyền thông vận động cần được triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung và phương pháp truyền thông vận động. Công tác truyền thông được tập trung vào các nội dung cụ thể như: Tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khoẻ trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh; nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều năm qua tỉnh Bắc Giang luôn bám sát các chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, đánh giá sát tình hình thực tế địa phương để quyết liệt triển khai, thực hiện các chính sách, giải pháp đặc thù về công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình. Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã đạt những kết quả khả quan; vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân bắt đầu được chú trọng. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh từ năm 2015 – 2020 đạt trên 60%; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng từ 6,4% năm 2015 lên 50% năm 2020.

Tuy nhiên hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù đã được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn quan tâm triển khai nhưng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước sinh và sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm. Đối tượng được sàng lọc sơ sinh miễn phí theo quy định rất hạn chế và mới triển khai sàng lọc được 2 bệnh phổ biến cơ bản là thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh, trong khi việc triển khai xã hội hóa sàng lọc sơ sinh tại các đơn vị y tế trong tỉnh chưa đồng bộ, chưa tập trung; việc quản lý, theo dõi đối tượng được sàng lọc sơ sinh chưa đầy đủ nên tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc theo thống kê chưa đạt kế hoạch đề ra hàng năm. Vấn đề tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đa số mới tập trung vào tuyên truyền, vận động đến thanh, thiếu niên và nam, nữ chuẩn bị kết hôn mà chưa phát triển được dịch vụ khám sức khoẻ trực tiếp cho nhóm nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Do đó tỷ lệ các cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn chưa cao. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tư vấn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa thường xuyên, liên tục, nội dung thông tin chưa toàn diện, đa dạng. Do vậy tỉnh Bắc Giang xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tỉnh Bắc Giang đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ chiến lược để góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về công tác dân số trong tình hình mới.

Mục tiêu mà tỉnh đưa ra là tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 45% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 50% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Việc thực hiện đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục là việc làm thường xuyên và lâu dài, không chỉ tiếp cận đối tượng với người dân vùng sâu, vùng xa, nhận thức hạn chế mà với cả những người trí thức, những người có điều kiện kinh tế… để họ thấy được những hiệu quả thiết thực của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tự nguyện tham gia dịch vụ đó bằng chính nguồn lực và sự hiểu biết của họ. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay truyền thông và giáo dục về DS&PT phải luôn luôn đi trước một bước, cần lựa chọn đúng mô hình, phương tiện, hình thức, đối tượng để có phương thức thực hiện hiệu quả. Đồng thời tham mưu để các cấp lãnh đạo, đưa ra quyết sách đúng đắn, hợp lý cho công tác DS&PT cả về nguồn lực, tổ chức bộ máy cùng với sự huy động cả xã hội cùng tham gia.

Hiện tại, Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030 đã chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 537/QĐ-TTg ngày 17/4/2020 với mục đích nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương để huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; duy trì vững chắc mức sinh thay thế; phân bố dân cư hợp lý; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước./.

Nguyệt Anh