“Những bộ phim giải trí đơn thuần không thể đại diện điện ảnh Việt Nam đi ra thế giới”

Điện ảnh là một ngành có tiềm năng rất lớn trong công nghiệp văn hóa cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tạo cơ sở vững chắc cho nền công nghiệp điện ảnh. Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh về câu chuyện từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn…

 nhung bo phim giai tri don thuan khong the dai dien dien anh viet nam di ra the gioi hinh anh 1NSX, diễn viên Trương Ngọc Ánh dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11 tại Hà Nội. Ảnh: Vũ Toàn.

Phim Việt vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả

PV: Nhìn lại điện ảnh Việt giai đoạn 2013-2020, theo chị, chúng ta có thể thấy được những gì?

Trương Ngọc Ánh: Từ 2013-2020, điện ảnh Việt đang chuyển mình và có được những dấu ấn nhất định. Phim Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng ghi nhận về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường điện ảnh. Điện ảnh Việt cũng đang từng bước hội nhập với dòng chảy chung của điện ảnh thế giới.

Trước đây, Luật Điện ảnh còn nhiều vướng mắc, gây khó khăn cho những người làm nghề. Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã trình xin ý kiến Quốc hội và dự kiến ban hành vào thời gian tới đã cho thấy sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới lĩnh vực này. Chúng tôi, những người làm nghề hy vọng những thay đổi của Luật Điện ảnh sẽ tạo điều kiện cho điện ảnh phát triển, để có thêm nhiều tác phẩm hay, đóng góp vào việc nâng cao văn hóa tinh thần người Việt, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế, vì điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thúc đẩy điện ảnh phát triển cũng chính là phát triển nền công nghiệp văn hóa Việt Nam.

PV: Thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh nhưng chưa phải là thị trường điện ảnh bền vững, vì thực tế cho thấy, phần lớn doanh thu thị trường điện ảnh đến từ phim nước ngoài. Chị suy nghĩ gì về điều này?

Trương Ngọc Ánh: Chúng ta chưa phải đất nước phát triển về công nghiệp điện ảnh, số lượng phim thắng phim thua còn chênh nhau rất nhiều và làm phim Việt ăn khách không phải dễ. Chất lượng phim Việt chênh lệch, có phim “thắng lớn” nhưng có phim phải hủy suất chiếu do không có khán giả. Để có được một bộ phim chất lượng ra rạp phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó, chúng ta cần nhất một kịch bản hay, ekip giỏi… nhưng bên cạnh đó còn có công nghệ, truyền thông, PR, thời điểm ra phim…

Trong khi đó, các phim bom tấn nước ngoài đưa về Việt Nam khá nhiều. Các hệ thống rạp cũng chịu KPI nhất định. Thành ra, phim nước ngoài có được sự ưu tiên nhất định nào đó, thì phim Việt rất khó để cạnh tranh. Phim Việt muốn có doanh thu cao phụ thuộc khá lớn vào may mắn. Tất nhiên là phải có tác phẩm tốt nữa.

Chúng ta bàn luận rất nhiều đến vấn đề giờ vàng tại rạp cho phim Việt, nhưng không thể nào xử lý triệt để được. Hầu hết các công ty nhập khẩu và phát hành phim hiện nay đều có hệ thống cụm rạp của mình nên trong khi thực hiện phát hành phim, các công ty ưu tiên tỷ lệ, suất chiếu lợi nhất cho họ. Tuy nhiên, họ vẫn hoạt động kinh doanh theo đúng luật pháp nên chúng ta chưa có cớ để thuyết phục họ ưu tiên chiếu phim Việt vào những khung giờ vàng tại rạp. Đó là vấn đề muôn thuở chúng ta đang bàn cãi và vẫn đang chờ một cơ chế đối xử bình đẳng giữa phim điện ảnh trong nước và nước ngoài.

PV: Thời gian gần đây, mặc dù phải cạnh tranh với nhiều “bom tấn” ngoại, nhưng không ít phim Việt vẫn đạt doanh thu cao như “Bố già”, “Hai Phượng”, “Cua lại vợ bầu”, “Mắt biếc”, “Em chưa 18”, “Gái già lắm chiêu”, “Lật mặt 48h”… Thậm chí, “Bố già” còn vượt “Avengers Endgame”, trở thành phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam. Điều này cho thấy khán giả Việt vẫn khao khát phim nội địa?

Trương Ngọc Ánh: Chắc chắn rồi, khi mình làm được phim hay, mang đến những thông điệp ý nghĩa, chạm đến cảm xúc của người xem, đâu đấy trên phim, khán giả thấy những gì gần gũi, thân thương nhất với mình, thì phim Việt vẫn có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Đối với khán giả Việt, một bộ phim không quá cầu kỳ, đôi khi chỉ cần đơn giản, mang đậm bản sắc Việt, đi vào lòng người, vẫn đủ khả năng thu hút họ, nếu chúng ta làm đúng. Những phim hành động, “bom tấn” Việt khó so được với công nghệ làm phim của nước ngoài. Chúng ta chỉ cần làm đúng, làm hay thì khán giả Việt chắc chắn không quay lưng và vẫn luôn sẵn sàng ủng hộ phim nội địa. Đó là vấn đề mà các nhà làm phim Việt phải suy nghĩ khi chọn đề tài làm phim.

 nhung bo phim giai tri don thuan khong the dai dien dien anh viet nam di ra the gioi hinh anh 2“Bố già” và “Hai Phượng” với doanh thủ “khủng”.

PV: Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung, chúng ta chỉ nổi trội ở mảng phim giải trí, nội dung dễ dãi, xem xong rồi quên ngay mà quá hiếm những sản phẩm bứt phá về mặt nghệ thuật, nội dung lẫn bản sắc dân tộc. Chị có suy nghĩ gì về thực trạng này?

Trương Ngọc Ánh: Thật ra, để kiếm được một kịch bản phim hay, mang đậm bản sắc dân tộc, có chất lượng nghệ thuật và đạt doanh thu cao thì cực kỳ khó. Đấy cũng là trăn trở của các nhà làm phim. Ai cũng muốn có nhiều phim nghệ thuật vươn tầm quốc tế, nhưng mình chưa đạt được mức đấy. Để làm được những bộ phim như bạn nói thì đấy là mong muốn của tất cả các nhà làm phim. Ngay bản thân tôi cũng muốn, vừa làm phim thị trường, lâu lâu lại làm một bộ phim nghệ thuật. Tôi đã từng đi dự nhiều Liên hoan phim quốc tế, làm giám khảo Liên hoan phim trong nước, tôi thấy chúng ta rất cần những bộ phim nghệ thuật giới thiệu ở những Liên hoan phim. Những bộ phim giải trí đơn thuần không thể đại diện điện ảnh Việt Nam đi ra thế giới.

Làm thế nào để đưa phim Việt “mang chuông đi đánh xứ người”?

PV: Thời gian gần đây, phim remake (làm lại) từ kịch bản phim ăn khách của nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều, chiếm lĩnh thị trường điện ảnh trong nước. Điều này cho thấy điểm yếu của điện ảnh Việt là sự khan hiếm kịch bản tốt. Chúng ta không thể tự hào mình là một nền điện ảnh phát triển khi mà những bộ phim trong nước sản xuất hầu hết lại kể những câu chuyện của nước ngoài?

Trương Ngọc Ánh: Việc làm phim remake chỉ là giải pháp tình thế thôi chứ không phải tối ưu. Dù sao đi nữa, vẫn cần một kịch bản gốc. Còn việc mua kịch bản -remake cũng chỉ mang tính chất kinh tế và thời thế, không phải cái để chúng ta phát triển điện ảnh. Kịch bản gốc bao giờ cũng mang giá trị cao hơn. Đội ngũ làm kịch bản của chúng ta hiện nay cũng đông lắm, nhất là những biên kịch trẻ. Nhưng nhiều bạn đang dừng lại ở mức độ mò mẫm. Viết xong một kịch bản rất tốn thời gian, nhưng xong lại không biết làm gì với nó.

Và các bạn cần nhất là phải hiểu thị trường này, hiểu thị hiếu để viết được ra những kịch bản mà các nhà sản xuất phim đang tìm kiếm, chứ không phải viết một kịch bản hay nhưng không khả thi. Đôi khi, các bạn biên kịch cũng không hiểu rõ Luật Điện ảnh, cái gì được, cái gì chưa được làm. Chúng ta cần quan tâm, bồi dưỡng lớp biên kịch trẻ để góp phần phát triển nền điện ảnh nước nhà.

 nhung bo phim giai tri don thuan khong the dai dien dien anh viet nam di ra the gioi hinh anh 3NSX Trương Ngọc Ánh làm giám khảo LHP Việt Nam lần thứ 22.

PV: Dòng chảy điện ảnh thời gian qua có lúc thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội… có khả năng truyền tải tư tưởng nhân văn và thẩm mỹ tích cực, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Do khán giả không mặn mà với những nội dung này, hay do năng lực của các nhà làm phim còn hạn chế?

Trương Ngọc Ánh: Phim đề tài lịch sử cách mạng thì các hãng phim Nhà nước cũng làm khá nhiều. Năm nào cũng làm. Đề tài lịch sử cách mạng khó và tốn tiền. Làm không tốt thì công sức bỏ sông bỏ bể chứ không phải đơn giản. Tôi cũng đang đau đáu làm phim về đề tài lịch sử, về Hai Bà Trưng. Bản thân tôi cũng mong muốn làm thế nào để đưa phim Việt mang chuông đi đánh xứ người. Đó cả một vấn đề rất khó, mệt mỏi, nhưng với tình yêu điện ảnh chắc chắn tôi sẽ làm.

Dòng phim này cần kỹ xảo tốt. Ví dụ như làm phim về trận chiến thời Hai Bà Trưng phải có voi, ngựa, rất tốn tiền. Trang phục thời đó cũng phải làm sao cho chuẩn để không bị nói giống Trung Quốc… 3 năm qua, tôi đã phải nghiên cứu ngôn ngữ, trang phục thời đó như thế nào, về các dụng cụ, vũ khí… Phim lịch sử có quá nhiều vấn đề để khai thác, thời kỳ nào, khúc nào trong câu chuyện…

Tư liệu lịch sử Việt Nam cũng có hạn chế, nhiều sách, mỗi sách nói một kiểu, có những khoảng trống khó xác minh. Nhưng tôi nghĩ rằng mình cứ mạnh dạn làm và tin rằng sẽ có nhiều người ủng hộ. Lịch sử Việt Nam rất hào hùng, hoành tráng. Với sự hỗ trợ như bây giờ thì trong tương lai sẽ có nhiều người làm về đề tài này.

PV: Điện ảnh hiện không chỉ còn là ngành giải trí nữa mà điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa, một ngành kinh tế sáng tạo. Để điện ảnh Việt tiếp cận gần hơn với điện ảnh thế giới, chúng ta cần có chủ trương đầu tư như thế nào?

Trương Ngọc Ánh: Vấn đề nằm ở con người. Con người làm nên tất cả mọi thứ nên phải đầu tư vào con người. Tôi cho rằng, chúng ta cần đầu tư vào lớp trẻ, những biên kịch trẻ, đạo diễn, quay phim, nhà sản xuất trẻ. Điều này chúng ta có thể thấy kinh nghiệm từ đất nước Hàn Quốc – một đất nước có nền công nghiệp điện ảnh, giải trí rất phát triển. Mỗi năm, họ đều đưa các sinh viên ra nước ngoài (các trung tâm điện ảnh thế giới) học hỏi hầu hết các khâu, quy trình sáng tác phim ảnh. Hàn Quốc đầu tư vào văn hóa giải trí rất bài bản, rất chuyên nghiệp. So với số tiền đầu tư họ thu lại rất nhiều, từ đó văn hóa, điện ảnh Hàn Quốc gần như rất phổ biến và thống lĩnh thị trường.

Đó cũng là cái gần gũi nhất, không quá vĩ mô gì hết. Chúng ta có thể xin những suất học bổng cho các đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, biên kịch đi học nâng cao ở các nước Hàn Quốc, Mỹ cho những khóa học từ 3-6 tháng.

Ngoài ra, Luật Điện ảnh cũng cần có những thay đổi để khuyến khích sáng tạo. Tất nhiên phát triển điện ảnh Việt Nam còn phải đi theo cơ chế, đường lối chính trị cũng như văn hóa và những đặc thù của người Việt nữa chứ không thể nào theo phương Tây quá, vì mỗi một nước đều có những luật lệ và tôn chỉ mục đích riêng. Tôi là một nhà làm phim tư nhân, nhưng tôi cũng hiểu hệ thống chính trị của mình, phải làm sao để phát triển trong khuôn khổ cho phép. Nhiều nước hệ thống luật điện ảnh cũng khắt khe hơn Việt Nam rất nhiều, nhưng điện ảnh của họ vẫn rất phát triển.

Điện ảnh là văn hóa, là bản sắc, văn hóa điện ảnh phát triển chắc chắn cũng góp phần phát triển kinh tế. Điện ảnh là món ăn tinh thần rất lớn. Nếu chúng ta biết đầu tư đúng mức vào điện ảnh thì chắc chắn sẽ được như vậy thôi.

PV: Xin cảm ơn chị!./.