Hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa …

Tập tin đính kèm

Trình duyệt không hỗ trợ iframe.

             

              Kính gửi:

– Phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố;

– Các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

 

Trong năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Sơn La đã ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục: Công văn số 5031/BGDĐT-KHTC ngày 27/10/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiểm tra và xử lý dứt điểm tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục (trong đó đã bãi bỏ các nội dung hướng dẫn tại Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo); Công văn số 1029/BGDĐT-KHTC ngày 19/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chỉ đạo điều hành giá và thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2018-2019; Công văn số 3178/UBND-KGVX ngày 04/10/2017 của UBND tỉnh Sơn La về việc thu các khoản vận động, tự nguyện đóng góp tại các trường học.

Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc dư luận xã hội. Để tăng cường công tác quản lý thu, chi; chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La từ năm học 2018-2019 như sau:

          I. Quy định chung

          – Tất cả các khoản thu trong nhà trường phải thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, của UBND tỉnh Sơn La (thu đúng, đủ, có căn cứ pháp lý);

          – Mọi khoản thu phải thực hiện công khai về nội dung thu, mức thu, văn bản pháp lý quy định về nội dung thu, mức thu; lựa chọn hình thức công khai để cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh dễ tiếp thu và tiếp cận nhất (niêm yết trên bảng tin nhà trường, trên website, phát tài liệu tại hội nghị…); thời điểm công khai, trước khi bắt đầu năm học mới;

          – Không thu gộp một khoản thu hoặc nhiều khoản thu vào cùng thời điểm, gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh học sinh;

          – Đối với các khoản thu không có quy định của Nhà nước (thu theo thoả thuận), các trường phải công khai nội dung và mức thu, chi, phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh bằng văn bản trên tinh thần tự nguyện;

          – Công tác quản lý, sử dụng nguồn thu: Mở sổ sách kế toán để theo dõi, nộp toàn bộ số thu được vào kho bạc nhà nước để kiểm soát chi, có đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp pháp, hợp lý; quyết toán, báo cáo tài chính theo quy định; cuối kỳ công khai quyết toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

          II. Quy định cụ thể

          1. Các khoản thu, chi theo quy định

          1.1. Thu học phí

          – Nội dung, mức thu theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021; Nghị quyết số 79/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh về việc quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2018-2019 trên địa bàn tỉnh.

– Phương thức thu: Học phí được thu định kỳ hàng tháng; nếu học sinh tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.

          1.2. Thu, chi tiền dạy thêm, học thêm

          Thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về dạy thêm, học thêm; Quyết định số 14/2013/QĐ-UBND ngày 28/8/2013 của UBND tỉnh Sơn La về việc dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh

Sơn La.

          1.3. Thu bảo hiểm y tế học sinh và quản lý, sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu

          Thực hiện theo Hướng dẫn số 1440/LN-GDĐT-SYT-BHXH ngày 16/7/2018 của Liên ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Bảo hiểm xã hội về việc hướng dẫn thực hiện BHYT học sinh, sinh viên năm học 2018-2019.

2. Các khoản thu của tổ chức, đoàn thể liên quan đến học sinh

2.1. Quỹ Đoàn, Đội, Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ

          – Thực hiện theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn, Hội đồng đội Trung ương, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Tuyệt đối không thu thêm hoặc thu cao hơn mức quy định.

– Các khoản thu, chi này do các tổ chức Đoàn, Đội, Hội thu, chi theo quy định và có sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo các đơn vị, trường học.

          2.2. Kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh

– Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh.

– Việc thu, chi, quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.   

          2.3. Bảo hiểm thân thể và các loại bảo hiểm khác (trừ bảo hiểm y tế)

          – Đây là loại bảo hiểm tự nguyện đối với học sinh. Các cơ sở giáo dục tạo điều kiện để các tổ chức Bảo hiểm tuyên truyền, vận động để học sinh tự nguyện tham gia, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho học sinh.

          – Các cơ sở giáo dục không được thu hộ, không giao cho giáo viên chủ nhiệm thu; cơ quan bảo hiểm liên hệ với phụ huynh học sinh ở nơi cư trú về việc mua, bán các loại bảo hiểm này theo nguyên tắc tự nguyện.

          3. Các khoản thu thỏa thuận

3.1. Thu tiền phục vụ bán trú

Bao gồm tiền ăn của học sinh, chăm sóc bán trú và trang thiết bị phục vụ bán trú (không áp dụng cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường phổ thông có học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 16/7/2016 của Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La):

          – Việc tổ chức phục vụ bán trú ở cơ sở giáo dục tùy thuộc vào nhu cầu của phụ huynh học sinh và điều kiện, khả năng tổ chức của nhà trường.

          – Mức thu phục vụ bán trú theo thoả thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh (có văn bản thống nhất kèm theo); được UBND cấp xã nơi nhà trường đóng và phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt (đối với các đơn vị nhà trường do phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố quản lý); Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt (đối với các đơn vị nhà trường do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý). Đơn vị phải mở tài khoản tại kho bạc để nộp toàn bộ số thu được vào tài khoản (để tránh thất thoát), tiền thu phục vụ bán trú bảo đảm nguyên tắc thu đủ chi, không có mục đích vì lợi nhuận (số dư tồn quỹ theo quy định), gồm:

          + Chi bữa ăn chính và bữa ăn phụ (nếu có);

          + Chăm sóc bán trú: Bồi dưỡng người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ công tác bán trú;

          + Trang thiết bị phục vụ bán trú (hỗ trợ): Bát, đĩa, cốc, xoong, nồi, giường, chiếu, chăn, khăn mặt … cho các trường mầm non và phổ thông có học sinh bán trú.

          – Các khoản thu trên được thu định kỳ hàng tháng, thu theo tháng thực học; riêng khoản thu trang thiết bị phục vụ bán trú thu theo học kỳ. Nhà trường phải mở sổ sách kế toán theo dõi, hạch toán, quyết toán theo qui định và thông báo kết quả với Ban Đại diện cha mẹ học sinh.

          3.2. Thu tiền học 02 buổi/ngày

          – Đối với các trường trung học: Thực hiện theo quy định tại Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 01/11/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học.

– Đối với các trường tiểu học đảm bảo đủ giáo viên (1,5 GV/lớp), thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ngày theo quy định; các trường chưa đủ giáo viên dạy 2 buổi/ngày (dưới 1,5 GV/lớp), căn cứ số lượng giáo viên và điều kiện thực tế, các nhà trường có thể tổ chức dạy tăng buổi. Không được thu tiền học sinh học 2 buổi/ngày và học sinh học tăng buổi.

          3.3. Đồng phục học sinh

– Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30/9/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên.

          – “Việc may, mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường. Ở những nơi có điều kiện và Ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị thì chỉ cần quy định học sinh chỉ mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp. Mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may và phải phù hợp với quy định tại Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục học sinh theo mẫu của nhà trường. Tuyệt đối không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh trong trường; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học”

(Trích Công văn số 6100/BGDĐT-CTHSSV ngày 06/9/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc chỉ đạo và triển khai việc mặc đồng phục của học sinh, sinh viên).

          4. Các khoản viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho

          Các cơ sở giáo dục được phép tiếp nhận các nguồn viện trợ, tài trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật và thực hiện theo Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

          – Các nguồn thu này phải được ghi chép, quản lý thống nhất qua hệ thống sổ sách kế toán và được chi tiêu theo quy định của nhà tài trợ

hoặc theo quy định của pháp luật hiện hành.

          5. Một số khoản thu khác phục vụ học sinh

Đối với các khoản thu thỏa thuận để phục vụ cho học sinh như: Học phẩm đối với cấp học mầm non (danh mục học phẩm theo Thông tư số 02/2010/TT-BGD&ĐT ngày 11/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), thẻ học sinh, sổ liên lạc…, các trường học tổ chức thu, nhưng phải thực hiện đầy đủ các điều kiện sau đây:

– Căn cứ tình hình thực tế của trường học và nhu cầu của cha mẹ học sinh xây dựng dự toán chi tiết các khoản chi để làm cơ sở xây dựng mức thu cho phù hợp theo nguyên tắc thu đủ chi;

– Tổ chức hội nghị để công khai, thống nhất trong Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, các tổ chức đoàn thể trong trường học và Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh nhà trường về nội dung, mục đích, mức thu các khoản trên theo nguyên tắc thu đủ chi;

– Tổ chức họp lớp triển khai thực hiện đến từng cha mẹ học sinh về nội dung các khoản thu, chi thỏa thuận để phục vụ cho học sinh;

– Các trường học chỉ thu khi cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp cho con em mình;

          – Kết quả thu – chi phải quyết toán theo quy định, đảm bảo dân chủ và công khai. Công bố trước cha mẹ học sinh và giáo viên nhà trường kết quả thực hiện vào cuối năm học.

          III. Tổ chức thực hiện

1. Đối với phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố

– Tổ chức triển khai văn bản này tới các cơ sở giáo dục trực thuộc; đồng thời căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, các văn bản quy định của cấp trên và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố có thể hướng dẫn cụ thể hơn cho phù hợp với địa phương.

– Định kỳ, đột xuất tổ chức kiểm tra việc thực hiện các khoản thu, chi tại các cơ sở giáo dục trực thuộc.

– Tổng hợp báo cáo việc thu, quản lý và sử dụng các khoản thu của các cơ sở giáo dục trực thuộc: Công tác chỉ đạo, kiểm tra của phòng giáo dục và đào tạo;  việc chấp hành các quy định về các khoản thu, chi của các cơ sở giáo dục trực thuộc; báo cáo UBND huyện, thành phố và gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo (qua Thanh tra Sở) đợt 1 trước ngày 15/12/2018; đợt 2 trước ngày 10/5/2019.

– Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về thực hiện khoản các thu ngoài ngân sách của các cơ sở giáo dục trực thuộc; tiếp nhận thông tin giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh của công dân về khoản thu, chi tại các cơ sở giáo dục trực thuộc; xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm túc các sai phạm (nếu có).

– Cơ sở giáo dục, đơn vị trường học nào để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong nhân dân thì trưởng phòng giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện, thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo.

     2. Đối với các cơ sở giáo dục

     – Trực tiếp triển khai quy định này đến phụ huynh học sinh; công khai các khoản thu để phụ huynh học sinh biết, thực hiện.

     – Tổ chức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu khác theo đúng qui định.

          – Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục. Chủ động phối hợp, góp ý kiến đối với hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; đặc biệt trong việc thu, chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

          – Chịu sự kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất của các cơ quan có thẩm quyền.

     – Có chế độ miễn, giảm phù hợp đối với học sinh mà gia đình khó khăn về kinh tế; tuyệt đối không được để học sinh vì gia đình khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học.

          – Các khoản thu, chi đều phải thực hiện công khai theo qui định của Luật phòng, chống tham nhũng; Thông tư số 19/2005/TT-BTC ngày 11/3/2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước; các quỹ được hình thành từ các khoản đóng góp của nhân dân; Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

– Báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện các khoản thu gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo phân cấp đợt 1 trước ngày 05/12/2018; đợt 2 trước ngày 01/5/2019.

  Các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La triển khai thực hiện Công văn này từ năm học 2018-2019; Công văn này thay thế Công văn số 945/SGDĐT-TTr ngày 01/6/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về các khoản thu trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La; bãi bỏ Công văn số 752/SGDĐT ngày 10/9/2012 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; các quy định trước đây trái với Công văn này đều bãi bỏ.

          Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Sơn La tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Ngoài nội dung các khoản thu quy định tại hướng dẫn này, các cơ sở giáo dục không được thu thêm bất kỳ khoản thu nào khác khi chưa có sự cho phép của cấp có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện, nếu có thay đổi Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Ban Nội chính tỉnh ủy;

– TT HĐND tỉnh;

– TT UBND tỉnh;

– Ban VH-XH HĐND tỉnh;

– UBND huyện, thành phố;

– Ban Giám đốc Sở;

– Lưu: VP, VT, TTr (Hiền).19b.

GIÁM ĐỐC

 

 

 

 

 

  Hoàng Tiến Đức