Giá trị lịch sử, văn hóa của từ đường họ Trần Văn

Giá trị lịch sử, văn hóa của từ đường họ Trần Văn

Từ đường họ Trần Văn tọa lạc tại thôn Đệ Nhất, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) – một vùng đất cổ của đồng bằng sông Hồng. Vào mùa xuân năm 1262, khi Thượng hoàng Trần Thái Tông ban chiếu, thăng hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, làng trở thành cung Đệ Nhất nằm trong hệ thống dinh phủ bao quanh điện Trùng Quang, Trùng Hoa, là mảnh đất linh, hội tụ các văn nhân, tuấn kiệt. Nhiều gia đình, dòng họ đã tìm đến đây sinh sống. Trong số đó, gần 500 năm trước vào thời Hậu Lê, cụ Thủy tổ Trần Văn Trinh đã đến định cư và mở đầu cho dòng họ Trần Văn, một dòng họ lớn của làng. Căn cứ vào cuốn gia phả, bài văn tế còn lưu giữ tại từ đường cùng truyền ngôn của các bậc cao niên trong dòng họ, cụ Thủy tổ là người học rộng tài cao, được triều đình Hậu Lê trọng dụng, mời vào dạy học trong triều và phong chức “Lê triều công thần văn chúng Sinh đồ”. Sau khi Thủy tổ qua đời, để ghi nhớ công ơn, con cháu trong dòng họ Trần Văn đã an táng và xây miếu thờ Thủy tổ tại làng Đệ Nhất. Ngôi từ đường còn phối thờ mẫu tổ Hoa Thị Thái và các vị tổ kế tiếp trong dòng họ, trong đó có tổ Trần Tất Đắc thuộc đời thứ 6, là người thông minh, tài giỏi. Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị phân chia thành hai miền “đàng trong” và “đàng ngoài”, với phẩm chất dũng cảm, lại được kế thừa truyền thống phò vua đánh giặc của cha ông, tổ Trần Tất Đắc đã tham gia nhiều chiến trận, trở thành vị tướng giỏi, lập nhiều chiến công xuất sắc, được Vua Lê Dụ Tông phong cho chức “Nguyên súy úy”. Cụ còn là người sống hết lòng vì con cháu trong dòng họ và dân làng. Tương truyền, một dịp về thăm quê, thấy dân làng Mai Hương, xã Mỹ Phúc bị thiên tai, đói khổ, cụ đã dâng sớ xin triều đình miễn thuế cho dân, được dân làng cảm phục và biết ơn, tôn làm thần làng.

Từ đường họ Trần Văn, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Ảnh: Việt Thắng

Từ đường họ Trần Văn, xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Ảnh: Việt Thắng

Từ đường họ Trần Văn không chỉ là công trình mang ý nghĩa tâm linh, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công đức với các bậc tiền nhân đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của dòng họ mà còn gắn liền với phong trào cách mạng của địa phương, góp phần khơi dậy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ quê hương. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đường đã trở thành địa điểm huấn luyện của dân quân du kích, là nơi để các tổ chức cách mạng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng đến với người dân. Hòa chung khí thế “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”, con cháu trong dòng họ đã cùng nhân dân địa phương dũng cảm chiến đấu giữ làng, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, tích cực tham gia lực lượng dân quân tự vệ, tòng quân giết giặc. Tiêu biểu là các ông Trần Quỳnh, Trần Văn Nại, Trần Văn Lẫm. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con cháu họ Trần Văn vừa kiên cường bám xưởng máy, cơ quan, ruộng đồng để xây dựng hậu phương vững mạnh, vừa hăng hái lên đường vào miền Nam chiến đấu. Trong số đó có người là những chiến sĩ biệt động Sài Gòn như vợ chồng ông bà Trần Văn Toàn – Nguyễn Thị Thanh, nhiều người đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc. Cũng trong thời gian này, Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Trung đã đón nhận, tạo điều kiện giúp đỡ các cơ quan, xí nghiệp, trường học về sơ tán phục vụ nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu. Từ đường họ Trần Văn là nơi làm việc của Ty Công an… Tổng kết hai cuộc kháng chiến, toàn dòng họ có 30 người lên đường nhập ngũ, trong đó 18 người hy sinh, 1 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những đóng góp của dòng họ Trần Văn qua các thời kỳ lịch sử đã tô đậm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương; có ảnh hưởng to lớn trong việc giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng đối với các thế hệ con cháu dòng họ nói riêng và nhân dân xã Mỹ Trung nói chung. Tiếp nối truyền thống của dòng họ, đến nay, trải qua 16 đời, con cháu trong dòng họ đã và đang đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Nhiều người trưởng thành, từng giữ các chức vụ cao, chủ chốt của tỉnh như các ông Trần Trung Am, Trần Văn Trịnh, bà Trần Thị Cúc… Cả họ hiện có 10 tiến sĩ, 20 thạc sĩ và trên 200 người có trình độ từ trung cấp đến đại học.

Ngoài những giá trị về mặt lịch sử, từ đường họ Trần Văn còn lưu giữ được nhiều nét đẹp kiến trúc và những hiện vật quý như: bát hương, bộ bát, đĩa thờ chạm khắc họa tiết hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê; ngai thờ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Từ công trình ban đầu rất đơn giản gồm 3 miếu nhỏ xây bằng gạch, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, đến nay, từ đường được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của con cháu trong dòng họ. Với thiết kế mang phong cách cổ truyền, kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, bao gồm tiền đường 3 gian 2 chái, hậu cung 2 gian, nên mặc dù được xây hầu hết bằng bê tông cốt thép song công trình vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng nông thôn Bắc Bộ. Hằng năm tại từ đường, ngoài 2 kỳ lễ hội chính diễn ra vào ngày 21-3 và 20-5 âm lịch, vào các ngày sóc, vọng, Tết Nguyên đán hoặc khi các gia đình có sự kiện quan trọng, từ đường đều mở cửa để con cháu khắp nơi về tế lễ, ôn lại công lao của tổ tiên, tổ chức tặng quà cho các cụ già mẫu mực, phát phần thưởng cho con cháu đạt thành tích xuất sắc trong học tập… Những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại từ đường dòng họ Trần Văn tuy chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng đã thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với các vị tổ có công sinh thành, gây dựng nên cuộc sống tốt đẹp hôm nay; là dịp để mọi người trong dòng họ siết chặt tinh thần đoàn kết, cùng chung sức xây dựng quê hương. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống rất cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hiện đại. 

Với những giá trị nổi bật trên, từ đường họ Trần Văn đã được xếp hạng là “Di tích lịch sử – văn hóa” cấp tỉnh theo Quyết định số 1462 ngày 11-9-2013 của UBND tỉnh. Điều này khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của dòng họ đã có sức lan tỏa không chỉ trong con cháu nội tộc mà còn tác động tích cực tới cộng đồng dân cư, được Nhà nước tôn vinh, được xã hội thừa nhận. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao ý thức trách nhiệm cho con cháu trong dòng họ và nhân dân địa phương trong việc tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của di tích, góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống quê hương, tri ân công đức với những người có công dựng làng, giữ nước./.    

Lam Hồng