Em bé hay cười – Ý nghĩa tiếng cười của bé qua từng giai đoạn

Em bé hay cười là lúc não bộ của bé phát triển mạnh và tạo ra những phản ứng tích cực tới các tế bào thần kinh. Nụ cười của bé còn là viên thuốc bổ giúp mẹ nhanh hồi phục sức khỏe, tạo niềm vui cho cả gia đình. Mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về ý nghĩa tiếng cười của trẻ qua từng giai đoạn:

  • Não bộ phát triển mạnh mẽ hơn khi em bé cười

  • Em bé cười có ý nghĩa như thế nào trong từng giai đoạn phát triển?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long cho biết “Não bộ của trẻ sơ sinh hoạt động ngay từ khi trẻ vừa chào đời qua các giác quan của trẻ. Sẽ không có gì lạ khi trẻ nhận ra giọng nói của mẹ, người mà trẻ đã cảm nhận được từ khi còn trong bụng. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có biểu hiện thích thú hơn khi nhìn thấy khuôn mặt thân thương của mẹ và mùi hương êm dịu khi mẹ ôm trẻ vào lòng. Vì thế, mẹ có thể trò chuyện, tạo tiếng cười cho trẻ để kích thích não bộ của trẻ phát triển hơn”.

Não bộ phát triển mạnh mẽ hơn khi em bé cười

Được nhìn thấy nụ cười của con yêu chính là khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Cha mẹ có biết, nụ cười của bé còn có ý nghĩa rất quan trọng không? Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh nụ cười có liên quan tới sự phát triển của não bộ của con người. Khi em bé cười, thùy trán làm việc tích cực hơn, não bộ phát triển mạnh mẽ hơn. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa nụ cười của con qua từng giai đoạn để giúp con yêu phát triển toàn diện hơn.

Mẹ có thể quan tâm:

Em bé cười có ý nghĩa như thế nào trong từng giai đoạn phát triển?

Từ 0-4 tuần tuổi

Thực tế, bé yêu đã biết cười từ khi còn ở trong bụng mẹ. Nhưng nụ cười này chỉ là nụ cười phản xạ, mang tính tự phát và không có ý nghĩa biểu lộ cảm xúc của con mà thôi. Trong suốt tháng đầu đời, bé sẽ luôn duy trì nụ cười phản xạ này. Mẹ có thể bắt gặp con cười khi con ngủ say hoặc lơ mơ buồn ngủ.

Phát triển não bộ lúc này chủ yếu thông qua giấc ngủ và các hoạt động thể chất. Tuy nhiên, mẹ hãy cứ khuyến khích bé cười, đồng thời mẹ nên cười nhiều với bé để từ phản xạ cơ học dần dần bé học về cảm xúc.

Từ 1 đến 2 tháng tuổi

Đây là thời điểm bé dần tạm biệt nụ cười phản xạ khi bắt đầu có phản ứng với những kích thích từ môi trường xung quanh. Nụ cười thực sự của bé sẽ xuất hiện khi bé hoàn toàn tỉnh táo ở tuần tuổi thứ 6-10. Lúc này, não bộ và thị giác của bé đã được cải thiện, bé sẽ cười khi nhận diện được khuôn mặt hay giọng nói quen thuộc của mẹ. Nụ cười của bé chính là để đáp lại những kích thích về thính giác và thị giác đó.

Từ 2 đến 3 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, nụ cười của bé mang ý nghĩa đáp lại những biểu cảm đầy thu hút đối với mình. Điều hấp dẫn đối với bé lúc này không chỉ là khuôn mặt hay âm thanh quen thuộc, mà còn là sự biến tấu những âm thanh ngộ nghĩnh mà bé nghe được nhờ sự phát triển não bộ nhanh chóng. Tiếng người lớn bắt chước các con vật, tiếng còi xe bíp bíp hay những thanh âm cười đùa đều trở nên rất hấp dẫn với bé. Bé sẽ phản ứng đáp lại các âm thanh đó bằng những tiếng líu ríu nho nhỏ, bộ não trong tâm trạng vui tươi sẽ điều khiển đôi tay và đôi chân bé huơ huơ trong không trung.

Bố mẹ hãy luôn khuyến khích bé cười, đây chính là thời điểm bé gia tăng tiếp xúc mặt đối mặt với mọi người xung quanh, bé luôn nhìn vào mặt người khác khi cười. Khi thấy bé cười, hãy vui vẻ và nhiệt tình đáp lại bé để giúp bé phát triển về mặt cảm xúc, ngôn ngữ. Tuy nhiên, đừng bắt ép bé phải cười trong khi bé không muốn, vì lúc này bé còn biết la hét, khóc lóc trước những sự vật, sự việc xung quanh.

Nếu đến khi bé được 3 tháng tuổi mà vẫn chưa biết cười, mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ, bởi đó có thể là dấu hiệu của chứng chậm phát triển.

Từ 3 đến 6 tháng tuổi

Lúc này, bé có thể cười với mọi việc xảy ra xung quanh, giống như một “chuyên gia cười” thực thụ. Bé luôn cười toe bất kể bố mẹ làm việc gì. Lớn hơn chút nữa, bé sẽ biết cười rồi ngoảnh mặt đi chỗ khác. Đây chính là cách bé học điều khiển cảm xúc tuy nhiên bé chưa biết làm thế nào cho đúng.

Bố mẹ hãy cứ để bé nhìn đi chỗ khác và nhớ đáp lại nhiệt tình với bé khi bé ngoảnh lại và cười với bố mẹ. Ngoài ra, hãy tranh thủ làm mặt ngộ nghĩnh, hài hước để kích thích bé cười sảng khoái. Nụ cười của bé ở giai đoạn này còn có ý nghĩa đánh dấu một mốc phát triển khác của bé: phát triển trí nhớ. Chẳng hạn bé vui mừng khi lại nhìn thấy khuôn mặt của mẹ, tức là bé đã ý thức được sự vắng mặt của mẹ trước đó.

Mẹ có thể quan tâm:

Từ 6 đến 9 tháng tuổi

Giai đoạn này, bé bắt đầu “chọn lựa” đối tượng để cười. Bé đã nhận biết được rằng mẹ đặc biệt hơn và quan trọng hơn những người khác. Bé cũng dần hình thành phản xạ sợ người lạ. Đây chính là dấu hiệu đáng mừng cho thấy sự trưởng thành não bộ của bé khi đã biết phân biệt người lạ và người quen, bé đã có thể phân biệt được các khuôn mặt khác nhau.

Tuy nhiên, em bé thân thiện hay cười khi trước có thể biến thành em bé ngừng mỉm cười khi thấy người lạ. Trò chơi khuyến khích giúp phát triển não bộ của bé trong giai đoạn này là “trốn tìm”. Bé sẽ cười không ngớt khi phát hiện ra khuôn mặt của mẹ sau một thời gian không thấy. Trong giai đoạn này, bố mẹ sẽ thấy bé có nhiều kiểu cười khác nhau.

Từ 9 đến 12 tháng tuổi

Đây là giai đoạn bé dần hình thành khả năng ngôn ngữ. Bé sẽ bắt đầu biết chơi với tiếng cười của mình. Bé sẽ dùng nụ cười của mình như một phương tiện giao tiếp, kết nối, trò chuyện với mọi người. Khả năng hài hước của bé cũng hình thành từ đây. Bé sẽ cười khi nghe thấy một âm thanh ngộ nghĩnh. Bố mẹ hãy mua cho bé những đồ chơi vui nhộn, hoặc làm một khuôn mặt hề, chọc cười bé, bé sẽ cười thật sảng khoái. Mỗi khi thấy bé cười vui vẻ, mẹ hãy cười theo bé bởi “nhà ngoại giao” nhí luôn mong người khác cũng sẽ phản ứng theo khi bé cười.

Ở độ tuổi này, những yếu tố bất ngờ sẽ làm em bé hay cười hơn, bé sẽ rất thích nếu được chơi trò chơi cùng với mẹ. Mẹ hãy đặt bé nằm trên đầu gối, hát cho con nghe. Trò chơi trốn tìm cũng là trò bé đặc biệt yêu thích.

Nguồn tham khảo: 5 điều bạn chưa biết về sự phát triển của em bé – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Xem thêm:

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bạn có quan tâm tới việc nuôi dạy con không? Đọc các bài báo chuyên đề và nhận câu trả lời tức thì trên app. Tải app Cộng đồng theAsianparent trên IOS hay Android ngay!