Cải cách giáo dục nhìn từ góc độ giáo dục phổ thông – Văn Học Sài Gòn

VHSG- Nếu ba cuộc cải cách kinh tế, chính trị và văn hóa là ba cuộc cải cách cơ sở xã hội hiện tại thì cải cách giáo dục là cuộc cải cách chuẩn bị cho tương lai. Với ý nghĩa như vậy, cải cách giáo dục về thực chất là cải cách xã hội, bởi xã hội phải tiên lượng được các mục tiêu con người của mình. Cải cách giáo dục cần dựa trên những đòi hỏi cấp tiến, đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi có tính chất dự báo, có tính chất quy hoạch về chất lượng của xã hội đối với con người nói chung, chứ không phải chỉ đối với người lao động…

Sự khủng hoảng quan điểm giáo dục

Nếu cho rằng nền giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng thì có lẽ là không đúng. Nền giáo dục Việt Nam từ xưa đến nay vẫn có những nhược điểm của nó, nhưng nó vẫn cho ra sản phẩm. Xã hội Việt Nam đã cố gắng rất nhiều, vất vả rất nhiều, cha mẹ học sinh đã vượt ra khỏi giới hạn khả năng của mình để bù đắp tất cả những cái thiếu, cái hạn chế của toàn bộ cơ sở hạ tầng của nền giáo dục. Có thể nói sản phẩm của giáo dục Việt Nam là kết hợp của sự cố gắng một cách chưa đầy đủ của những người tổ chức và quản lý về giáo dục và những cố gắng bù đắp của xã hội Việt Nam, của các gia đình học sinh và không phải tất cả các sản phẩm ấy đều tồi, vẫn có những sản phẩm tốt. Cho nên, nếu nói một cách chính xác thì sự khủng hoảng hiện nay là sự khủng hoảng của các quan điểm giáo dục.

Nói về sự khủng hoảng phải xem xét ở hai khía cạnh: Thứ nhất là những quan điểm về chất lượng, tiêu chuẩn, khuynh hướng và đòi hỏi của nền giáo dục là không rõ ràng, không nhất quán và không hội tụ đủ sự đồng thuận của xã hội. Ví dụ, nếu người phụ trách ngành giáo dục mà là một nhà khoa học thì vai trò của đại học được chú ý nhiều hơn, người phụ trách ngành giáo dục mà xuất thân từ một giáo viên dạy phổ thông thì vai trò của giáo dục phổ thông được chú ý hơn. Thầy hiệu trưởng là giáo sư toán thì môn toán được chú ý hơn, các giáo viên toán cũng được lựa chọn cẩn thận hơn. Tóm lại, mỗi một người vẫn phát biểu quan điểm theo tính đặc thù cá nhân của mình mà những quan điểm ấy chưa phù hợp với đòi hỏi tự nhiên của đời sống đối với giáo dục. Hay nói cách khác, chúng ta không có bộ luật thống nhất trong đó đặt ra các tiêu chuẩn bắt buộc đối với ngành giáo dục.

Thứ hai là nền giáo dục của chúng ta không bắt nguồn từ việc xác lập những mục tiêu, những đòi hỏi của xã hội và sự thiết lập một chương trình thoả mãn những đòi hỏi ấy. Trong khoảng nửa thế kỷ, nền giáo dục của chúng ta có một nhược điểm cố hữu, tạo thành sự thiếu hạnh phúc thường xuyên, mãn tính trong đời sống tinh thần của học sinh. Nhược điểm đó chính là sự tồn tại của một mâu thuẫn rất lớn, rất căn bản giữa đòi hỏi của chính trị và đòi hỏi tự nhiên của đời sống đối với giáo dục. Do sự lấn át của một số nội dung đào tạo bắt buộc phải có theo những yêu cầu của đời sống chính trị, các giáo viên phải đưa ra những chương trình bổ trợ kiến thức để cân bằng lại, vì vậy, vô tình khối lượng các thông tin dồn vào trong chương trình học tập quá lớn gây căng thẳng cho học sinh. Cho nên học sinh Việt Nam, nhất là học sinh phổ thông không tồi nhưng các em học hành rất vất vả và không còn thời giờ để thưởng thức cuộc sống. Học sinh phổ thông bắt đầu đi học vào lúc 6 tuổi, kết thúc vào lúc 17 tuổi. Đấy là quãng thời gian các em phải nhặt vào tiềm thức của mình những ấn tượng tốt đẹp nhất của đời người, cho nên các em phải có thời gian để đọc sách, nghe nhạc, vui chơi. Tức là giai đoạn ấy là giai đoạn cơ bản học làm người. Nhưng những cuộc tranh chấp có chất lượng thời lượng học tập nảy sinh do những đòi hỏi của đời sống chính trị và những đòi hỏi xuất phát từ một số quan niệm lệch lạc về giáo dục trong xã hội, làm cho các em không còn thời gian hưởng thụ những gì mà một con người đáng lẽ được hưởng trong giai đoạn quan trọng nhất hình thành nhân cách của mình.

Trường học không có nghĩa vụ dạy cho con người biết tất cả mọi thứ, trường học chỉ có nghĩa vụ hướng dẫn con người những nguyên lý, những phương pháp để nhận được mọi thứ trong cuộc sống thôi. Vì hy vọng trường học là nơi cung cấp mọi thứ mà cuộc sống cần nên chúng ta đã nhồi nhét quá nhiều thứ cho các em. Trường học chỉ cung cấp một số kiến thức vào những năm cuối cùng của quá trình đi học để người ta có thể hành nghề ở giai đoạn kiếm sống ban đầu. Những người nào mà cho đến tuổi 40 rồi vẫn sống bằng kiến thức của nhà trường dạy thì không có giá trị phát triển. Sự học tập ở bên ngoài nhiều hơn là nguyên lý chứ chưa biến thành một thực tế. Có rất nhiều người ở tuổi 60-70 rồi nhưng vẫn không ra khỏi những chương trình giáo khoa mà họ đã học trong quá khứ, và đấy là điều đau buồn nhất mà một con người có. Những ai đi học mà tôn thờ những điều mình học được đến mức không ra khỏi nó được thì học tập là một quá trình diệt chủng về mặt tinh thần. Cho nên nhà trường có nghĩa vụ phải dạy trẻ con ra khỏi sách giáo khoa như thế nào, ra khỏi ảnh hưởng của người thầy như thế nào.

Trong sự khủng hoảng các quan điểm giáo dục hiện nay thì các em học sinh cũng không khủng hoảng, nhưng các em học hành rất vất vả, và sự hình thành nhân cách của các em diễn ra trong những điều kiện rất khó khăn. Trong những điều kiện của Việt Nam hiện nay, các em không được hưởng sự yên tĩnh vốn có của đời sống học sinh như trong những năm chiến tranh. Trong những năm chiến tranh, học sinh không phải chịu đựng những sức ép như hiện nay, mặc dù khi đó điều kiện vật chất gian khổ hơn nhiều. Hiện nay, các em học sinh đang phải tham gia cùng với bố mẹ để giải quyết những mâu thuẫn vốn không nên có trong đời sống học sinh. Ví dụ như việc tăng học phí. Trong những năm chiến tranh chúng ta ít khi nghe thấy chuyện học phí, còn bây giờ thì học phí càng ngày càng nhiều. Phải nói rằng trong những năm chiến tranh chúng ta xoá nạn mù chữ, phổ cập phổ thông cấp I, cấp II một cách rất nhẹ nhàng, nhưng bây giờ trong lúc kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6-7%/năm thì chúng ta lại căng thẳng về những chuyện như vậy. Trong những năm chiến tranh, học sinh không bao giờ buộc phải tranh luận hoặc suy ngẫm về quan điểm giáo dục, nhưng bây giờ học sinh phải đứng giữa những cuộc tranh cãi về mặt quan điểm giáo dục. Trong những năm chiến tranh học sinh không phải bàn về chuyện nhân cách con người, làm thế nào để trở thành người tốt, làm thế nào để trở thành người anh hùng, nhưng bây giờ học sinh tham gia vào quá trình bàn cãi xem mình là người tốt hay xấu, mình là sản phẩm tốt hay sản phẩm tồi. Nếu mọi việc vẫn tiếp tục diễn ra như thế thì sẽ không còn sự kín đáo, không còn sự yên tĩnh tự nhiên của quá trình hình thành nhân cách của học sinh. Những cuộc cãi vã như vậy dội vào trong đời sống tinh thần của học sinh những sự phân vân, do dự khi xem xét phẩm chất con người. Tình trạng đó là phổ biến.

Cần trả lại tính tự trị cho giáo dục

Việc đưa những chương trình giáo dục chính trị vào trong đời sống học sinh là không thể thiếu nhưng cần có sự cân nhắc kỹ càng để tránh rủi ro. Theo các lý thuyết về nhận thức, yếu tố quen biết đầu tiên trong miền tinh thần của con người chính là yếu tố chủ đạo chi phối toàn bộ quá trình lựa chọn tiếp theo để có kiến thức. Nếu giáo dục vô tình đưa những yếu tố sai vào làm nền tảng trí tuệ của đứa trẻ thì kết quả là nó sẽ có những lựa chọn sai trong suốt quãng đời tiếp theo. Chúng ta cũng cần lưu ý rằng dạy những môn học mà giá trị theo thời gian của nó không bền vững chính là chuẩn bị để học sinh lựa chọn các yếu tố không bền vững đối với toàn bộ hệ thống trí tuệ của các em trong tương lai. Có một thời kỳ chúng ta xem những tấm gương như anh Phan Đình Giót quan trọng hơn nhiều so với các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và chúng ta đã phải gánh chịu và khắc phục rất nhiều hậu quả. Dường như chúng ta chưa thấy hết được những thất thiệt do sự lệch lạc của giáo dục gây ra. Giáo dục nhiều khi trở thành nơi thể hiện tập trung những quan niệm mất cân đối của chúng ta về cấu trúc xã hội, và người hứng chịu những thất thiệt chính là con em của chúng ta, là nhân dân của chúng ta.

Hãy trả lại cho nhà trường, cho giáo dục và đào tạo những khoảng không gian tự do cần thiết và lấy giáo dục làm chính, lấy việc huấn luyện và đào tạo ra con người làm chính. Chúng ta có thể tìm kiếm những tài năng chính trị trong nhà trường thông qua hoạt động của phong trào thanh niên, phong trào đoàn thể và phong trào nghiên cứu những thứ liên quan đến ý thích của học sinh, sinh viên. Ai thích làm chính trị thì sẽ tham gia những hoạt động như vậy. Thường những người thích làm chính trị bao giờ cũng thích tham gia những hội đoàn học sinh, lãnh đạo đoàn, lãnh đạo đội… Trên cơ sở có những con người thích thú và tự nguyện làm những chuyện như vậy thì nhà nước sẽ tìm ra được những nhà chính trị có tài và có năng khiếu. Nhưng đem áp dụng những nội dung này cho mọi học sinh thì không cẩn thận chúng ta sẽ không có các nhà chuyên môn và cũng không có cả các nhà chính trị.

Phi chính trị hoá một nền giáo dục không phải là vô chính trị. Chính trị là một đối tượng thật của cuộc sống, là một loại hoạt động, là một loại cấu trúc thượng tầng của đời sống tinh thần con người. Không vô chính trị được, không coi thường nó được, nhưng không gắn một quan điểm chính trị đặc biệt nào vào giáo dục thì tức là phi chính trị hoá giáo dục. Việc phi chính trị hoá đời sống học đường hoàn toàn không làm giảm chất lượng chính trị của các sản phẩm giáo dục. Nó ngăn chặn các căn bệnh của đời sống chính trị lẻn vào trong học đường và ngăn cản những thứ đó trở thành thứ cơ hội. Ví dụ, chúng ta công bằng với lịch sử tức là phi chính trị hóa môn lịch sử. Chúng ta công bằng với các trào lưu triết học ở trên thế giới tức là phi chính trị hoá môn triết. Chúng ta công bằng với tất cả các giá trị của thơ ca và văn học Việt Nam tức là phi chính trị hoá môn văn.

Tóm lại, cải cách giáo dục về bản chất là phi chính trị hóa giáo dục. Nếu nhà chính trị vẫn tiếp tục xem học đường là nơi đào tạo, là diễn đàn chính trị, những người hoạt động khác xem đó là nơi làm từ thiện, các bậc cha mẹ xem đó như là nơi thể hiện sự chăm sóc, nếu tất cả những lực lượng không phải là học sinh đều xem đó như nơi thể hiện ưu thế của mình thì kết quả là các em học sinh sẽ trở thành những đứa trẻ vị thành niên vĩnh viễn.

Tự do – Tự lập – Tự trọng

Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang thiếu một triết lý giáo dục nhưng tôi cho rằng chúng ta không thiếu triết lý giáo dục mà chúng ta đang chấp nhận một triết lý giáo dục sai. Nếu thiếu triết lý giáo dục thì mỗi một trường phải có chất lượng khác nhau. Sự phổ biến của những giá trị thấp, của những giá trị không có chất lượng một cách rộng rãi trong nền giáo dục Việt Nam thể hiện rằng, chúng ta có một triết lý giáo dục và triết lý ấy sai. Cho nên, chúng ta cần phải tìm ra một triết lý đúng đắn. Trong cuốn sách “Cải cách và sự phát triển” tôi đã nói: “Tự do – Tự lập – Tự trọng” là nguyên lý của giáo dục. Trước hết chúng ta phải tạo ra con người, triết lý gì thì cũng phải phục vụ việc tạo ra con người, mà con người thì phải có “Tự do – Tự lập – Tự trọng”. Trên nền tảng ấy con người mới có thể có thành tựu khác. Nếu không có nền tảng ấy, mọi sự bàn cãi đều là vô nghĩa. Từ chỗ xác định được mục tiêu là đào tạo ra con người có “Tự do – Tự lập – Tự trọng”, chúng ta mới có tiêu chuẩn để chọn giáo viên và từ cái cộng đồng những người tạo ra các sản phẩm Tự do – Tự lập – Tự trọng ấy mới có thể chọn ra được những người đứng đầu ngành giáo dục phù hợp cho mục tiêu ấy.

Chúng ta nên xác định một cách rõ ràng rằng sản phẩm đầu ra của giáo dục là con người chứ không phải chỉ là kiến thức của con người. Đôi lúc chúng ta sửa sang, cải tiến nhà trường, làm lại sách giáo khoa, cải cách chương trình giáo dục và tưởng rằng như thế là đã làm xong nhiệm vụ của cải cách giáo dục, nhưng không phải. Chúng ta đưa ra vấn đề cải cách chương trình giáo dục mà quên mất rằng thay đổi chương trình giáo dục chỉ là đưa ra những đòi hỏi khác đi về kiến thức chứ không thể làm cho con người khác đi được. Nhà trường không phải là nơi đưa ra các đòi hỏi mà nhà trường là nơi thoả mãn các đòi hỏi của xã hội về phẩm chất của con người.

Cần phải làm thế nào để thế hệ trẻ bước vào cuộc đời với tư cách người tự do, không nhiễm độc, không định kiến và có tầm nhìn hình nan quạt chứ không phải cái nhìn trên một đường thẳng. Hiện nay giáo dục của chúng ta dạy trẻ con sai. Học sinh của chúng ta có những em đi thi rất giỏi nhưng làm thì kém, có những em làm việc rất giỏi nhưng sống thì tồi. Tôi đã gặp và quan sát thấy có rất nhiều bằng chứng như vậy. Mục tiêu cuối cùng của con người là sống chứ không phải chỉ là làm việc, mà cuộc sống thì toàn diện, cuộc sống gồm rất nhiều thứ. Cho nên chúng ta phải dạy con người thiết kế cuộc sống như thế nào để cuộc sống ấy hạnh phúc, sung mãn, cân đối, đẹp đẽ và ít rủi ro. Muốn vậy phải bắt đầu từ việc trang bị cho các em nền tảng “Tự do – Tự lập – Tự trọng”.

Một số vấn đề

1- Giáo dục phổ thông

Tôi cho rằng giáo dục phổ thông quan trọng hơn giáo dục đại học. Bởi vì giáo dục là tạo ra một sản phẩm người thoả mãn các đòi hỏi tự nhiên của cuộc sống. Cùng với cấp độ học tập, trình độ tri thức sẽ tăng dần lên và nhân cách sẽ được hình thành vào cuối giai đoạn phổ thông. Nhưng trong chương trình giáo dục của chúng ta không thấy rõ điều ấy. Nhiều chương trình học được đặt vào trong không gian tinh thần của trẻ em không đúng lúc. Thực tế là năng lực tiếp nhận của con người bao giờ cũng có hạn, ở mỗi giai đoạn phát triển, mỗi một lứa tuổi có sự thuận lợi khác nhau cho mỗi loại kiến thức khác nhau. Ví dụ: nếu học triết học vào giai đoạn 30 – 40 tuổi là không học được, bởi vì khi đã hình thành thói quen tư duy một cách dân dã rồi thì không có cách gì để tiếp cận với phương pháp siêu hình. Ở nhiều nền giáo dục khác, trẻ em được tiếp cận với những khoa học trừu tượng như vậy rất sớm nên các em không phải chống lại những thói quen nhận thức để tiếp nhận nó. Tại sao một học sinh, một sinh viên phương Tây nói chuyện về Kant, về Nietzsche, về Schopenhauer một cách rất tự nhiên, và hiểu rất nhanh? Bởi vì các em chưa có những luận lý mang tính chất định kiến nên có thể tiếp cận rất nhanh và chấp nhận những kiến thức đó một cách nhẹ nhàng. Trong khi đó ở nền giáo dục của chúng ta, các nhà giáo dục chưa chú ý đến vấn đề là mỗi một giai đoạn khác nhau của sự phát triển thói quen, sự phát triển nhận thức cũng như sự phát triển các giá trị tinh thần của con người chỉ phù hợp với việc tiếp nhận một vài chủng loại kiến thức nào đó. Chương trình đào tạo của chúng ta dầy kín những kiến thức lịch sử – chính trị như hiện nay thì có nghĩa là sẽ có một cuộc kháng chiến chống lại các trào lưu triết học thế giới ngay từ trong tâm lý của các em. Các em sẽ đối chiếu nguyên lý của Marx với nguyên lý của Kant hay nguyên lý của Hegel chẳng hạn, và chỉ nguyên phân vân ở đầu vào của bộ não thôi cũng làm năng lực tiếp nhận giảm đi rất nhiều rồi. Theo tôi, toán học, triết học, âm nhạc và ngoại ngữ, bốn môn đó phải học rất sớm, học khi chưa kịp có định kiến.

Tôi nghĩ rằng, một trong những nghiên cứu hết sức căn bản để hoạch định ra một chương trình giáo dục tốt là phải xác lập sự thuận lợi có chất lượng lứa tuổi đối với các môn học khác nhau. Tất nhiên, mọi nhà nước đều có đòi hỏi đưa vào trong chương trình giáo dục những vấn đề chính trị. Ở các quốc gia khác người ta có Thần học, Tôn giáo. Mọi nhà nước đều cố gắng tác động vào học sinh những chất lượng chính trị tối thiểu mà mình đòi hỏi. Nhưng thứ nhất là phải “tối thiểu”, thứ hai là phải “tự do”. Tự do là gì? Tự do có nghĩa là có môn học ấy nhưng ai muốn học thì đăng ký, không bắt buộc. Ở các nước phát triển, chương trình phổ thông có rất nhiều môn, trong đó có một số môn bắt buộc như Toán, Lý, Hoá, Ngôn ngữ, Văn học, các môn còn lại là tự do lựa chọn. Học sinh có thể chọn Lịch sử Cổ đại, Lịch sử Vũ trụ, Vật lý phát triển, Toán học cao cấp… Cái “siêu thị giáo dục” của chúng ta cần được bày một phổ rộng các hàng hoá phù hợp để học sinh lựa chọn.

Bây giờ, chúng ta cứ đòi hỏi cải cách giáo dục là phải cải cách chương trình này, chương trình kia trong khi việc nhanh nhất chúng ta có thể làm là tham khảo, học hỏi các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Chúng ta không có kinh nghiệm để tạo ra công nghệ giáo dục thì chúng ta bắt chước các nền giáo dục tiên tiến và cố gắng bổ sung những yếu tố cho thích hợp với Việt Nam. Trong khi làm việc này cần lưu ý rằng, các tiêu chuẩn của một nền giáo dục càng trung lập, càng phổ quát, tức là càng giống những nền giáo dục khác bao nhiêu thì chất lượng nền giáo dục ấy càng tốt bấy nhiêu. Nếu một nền giáo dục mà mang từ tỉnh này sang tỉnh khác, từ nước này sang nước khác không dùng được nữa thì nền giáo dục ấy chính là công nghệ để tạo ra các sản phẩm không có năng lực đối phó trên phạm vi toàn cầu, một năng lực không thể thiếu trong thời đại của chúng ta.

2- Cơ sở hạ tầng

Hiện nay việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục vẫn chưa được quan tâm thoả đáng. Các em học sinh không được hưởng nền giáo dục toàn diện trong một không gian trường học không có sân chơi, không có khu vực dành cho luyện tập thể thao, không có phòng thí nghiệm v.v. Hiện nay, chúng ta thấy tỉnh nào cũng có vài ba khu công nghiệp tập trung nhưng không thấy có những khu dành cho giáo dục. Để khuyến khích phát triển giáo dục thì phải có chính sách về đất đai. Trong vấn đề này phải nhắc đến vai trò của cơ quan quản lý đất đai là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xây dựng quy hoạch cho tất cả các địa phương trong đó có những khu vực để xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục với một chế độ ưu đãi. Trong chuyện này nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đưa ra các thiết kế cho các khu giáo dục, khu đào tạo ở các tỉnh. Xác định cần bao nhiêu trường cấp I, cấp II, cấp III cho mỗi tỉnh. Quy mô các trường có thể không lớn, nhưng nó phải đủ rộng ở một mức tối thiểu nào đó. Bước tiếp theo có thể là xác định xem bao nhiêu tỉnh thì liên kết thành một khu, khu ấy phải có những trường như thế nào, ưu đãi như thế nào, kêu gọi đầu tư như thế nào. Giáo dục con người nhất thiết phải có trường học, phải có thiên nhiên, phải có tất cả các cơ sở vật chất ban đầu, vì con người phải bắt đầu nhận thức từ đấy trở đi. Rất nhiều người muốn điện tử hoá toàn bộ quá trình giáo dục, đấy là sai lầm. Vì điện tử hoá giáo dục sẽ chỉ tạo ra những cái máy kiến thức mà không đào tạo được nhân cách con người. Phải quan niệm đất đai và các cơ sở vật chất khác của ngành giáo dục không chỉ là phương tiện hay công cụ giáo dục mà còn là môi trường để tạo ra nhân cách con người.

3- Nguồn tài chính sạch

Giáo dục, đào tạo thế hệ tương lai là hoạt động thiêng liêng, nên không thể huy động vốn một cách bừa bãi. Chỉ có những đồng tiền sạch và những nhu cầu sạch mới được tham gia vào quá trình cấu trúc tương lai của xã hội chúng ta. Đấy là nguyên lý số một cần phải được khẳng định. Người muốn đóng góp cho giáo dục phải chứng minh nguồn tài chính của mình là trong sạch. Nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không ý thức được chuyện ấy thì quá trình xã hội hóa giáo dục sẽ trở thành một biện pháp rửa tiền, và nền giáo dục Việt Nam không có tương lai nếu được xây dựng trên những đồng tiền “bẩn” ấy. Vai trò của Bộ Tài chính trên phương diện này là rất quan trọng. Bộ Tài chính buộc phải nghiên cứu các quy luật hình thành các nguồn tài chính cho giáo dục, trên cơ sở đó ngăn chặn và loại bỏ những nguồn tài chính không trong sạch thâm nhập vào ngành giáo dục.

4- Tiền lương của giáo viên   

Về vấn đề lương giáo viên phải có cuộc cải cách thật sự, thay đổi thật sự như một cuộc cách mạng chứ không phải là những cuộc cải cách nhỏ giọt. Muốn khôi phục giá trị tinh thần của chức danh nhà giáo thì phải đảm bảo cuộc sống cho họ. Vấn đề tiền lương của giáo viên có thể cải thiện bằng phương pháp xã hội hoá một cách công khai, minh bạch. Có thể xem xét việc cho phép phụ huynh học sinh góp một phần để cải thiện và nâng cao mức sống của giáo viên một cách công khai. Chúng ta cổ phần hoá các xí nghiệp nhà nước, bán cổ phần cho công nhân thì cũng có thể phát hành cổ phiếu, trái phiếu nhà trường bán cho chính các bậc phụ huynh để nâng cấp cơ sở hạ tầng của các trường. Nhưng bên cạnh đó phải có Hội đồng những người sở hữu các cơ sở vật chất của nhà trường. Đấy là quan hệ minh bạch. Chúng ta phải đi từng bước một và làm một cách đúng đắn theo cách xã hội có thể làm để kiểm soát được tất cả các đầu tư và kiểm soát chất lượng của đồng tiền dành cho khu vực giáo dục.

Sự yên tĩnh của học đường

Nghe những vấn đề về giáo dục hiện nay, là một người làm cha làm mẹ, tôi thấy rất sốt ruột. Cách đây một hai năm, ngành giáo dục bắt đầu làm những việc chống tiêu cực, nói không cái này, nói không với cái kia, tôi đã rất lo lắng. Những đứa trẻ Việt Nam đang mộng du đi trên những nóc nhà hoặc những bức tường cao, bây giờ bỗng nhiên đánh thức nó dậy mà không đỡ, không có thang, không có quang treo, không có đệm thì lũ trẻ sẽ ngã gục. Chúng ta không thể nói hai không, ba không ngay lập tức mà phải tôn trọng nền giáo dục đã có và lặng lẽ nhặt nhạnh tất cả những khuyết tật của nó để vứt đi và vứt không có tiếng động. Các thế hệ ngày xưa khi nói về thầy giáo, cô giáo là phải nói thầm. Như thế hệ của tôi đã 60-70 tuổi rồi nhưng khi nói đến các thầy cô giáo chúng tôi vẫn kính trọng. Bây giờ xã hội chúng ta cãi nhau về chuyện viết sách giáo khoa bừa bãi một cách công khai, nói về chuyện tham nhũng trong ngành giáo dục, chuyện đánh học trò công khai, tức là tất cả mọi vấn đề giáo dục đều biến thành đối tượng của những hoạt động hết sức thiếu ý thức của các lực lượng xã hội.

Trong khi còn nghèo khổ thế này thì thầy giáo, cô giáo, mỗi người đều có vấn đề của mình, những chuyện ấy vào thời trước đây cũng có, nhưng học sinh khi đó chỉ chế giễu một cách nhẹ nhàng các khuyết tật của thầy cô, chứ không dám nói một cách ầm ĩ như hiện nay. Và những động thái thiếu tín nhiệm rất tinh tế như vậy của học sinh có giá trị uốn nắn, sửa chữa, tấn công chất lượng của thầy rất lớn. Các thế hệ trước tham gia vào quá trình làm trong sạch đội ngũ giáo viên bằng thái độ của học sinh chứ không phải bằng thái độ của người trả tiền. Ở những nước phát triển, học sinh phổ thông không được phép mang tiền đến trả cho nhà trường. Nếu chúng ta cứ tiếp tục vi phạm những quy tắc văn hóa trong quan hệ giữa thầy và trò như thế thì sẽ làm hỏng sự tôn nghiêm và sự tốt đẹp của mối quan hệ này.

Tôi cho rằng, cải cách giáo dục là tổ chức một loạt các công nghệ hợp lý và tổ chức một thái độ hợp lý. Thái độ hợp lý và công nghệ hợp lý đối với chúng ta hiện nay là nhặt nhạnh và lấy ra tất cả những yếu tố không còn hợp lý trong nền giáo dục đang có, và bỏ vào đấy những cái mới, những cái tiến bộ. Tất cả sự lấy ra và bỏ vào ấy phải đảm bảo tính yên tĩnh của một nền giáo dục, không làm náo động tâm lý của thầy và trò. Tăng lương cho thầy cũng phải yên tĩnh, giảm học phí cho học trò cũng phải yên tĩnh. Tất cả mọi việc làm đối với trẻ con, đối với giáo dục, đối với nơi đào tạo ra con người phải rất yên tĩnh. Tuyệt đối không thể biến công cuộc cải cách giáo dục thành một ngày hội náo nhiệt và khua khoắng của các quan điểm chính trị. Cải cách giáo dục là xây dựng thái độ lặng lẽ nhặt nhạnh tất cả sự bất hợp lý trong các trạng thái khác nhau của một nền giáo dục và vứt đi một cách lặng lẽ hơn cả lúc nhặt. Cải cách giáo dục là một cuộc giải phẫu xã hội với đòi hỏi về sự cẩn trọng lớn hơn tất cả các cuộc giải phẫu ở tất cả các bệnh viện giải phẫu lớn nhất thế giới. Đấy chính là thái độ cần có đối với cải cách giáo dục.

Nếu tiếp tục coi cải cách giáo dục là một chiến dịch ầm ĩ thì tất cả những thứ đó, do trạng thái của truyền thông hiện nay, sẽ dội ngay vào trẻ em và chúng sẽ thấy tính không bền vững, không chắc chắn của trường học. Tính tạm bợ và không chắc chắn của trường học sẽ tạo ra trạng thái tạm bợ của kiến thức và của học tập. Cho nên, cần phải làm cho nhà trường trở thành một khu chân không, khu vô trùng, ở đấy không có vi khuẩn chính trị gặm nhấm năng lực, gặm nhấm sự phát triển tự nhiên của nhận thức.

Nếu ba cuộc cải cách kinh tế, chính trị và văn hóa là ba cuộc cải cách cơ sở xã hội hiện tại thì cải cách giáo dục là cuộc cải cách chuẩn bị cho tương lai. Với ý nghĩa như vậy, cải cách giáo dục về thực chất là cải cách xã hội, bởi xã hội phải tiên lượng được các mục tiêu con người của mình. Cải cách giáo dục cần dựa trên những đòi hỏi cấp tiến, đòi hỏi tiến bộ, đòi hỏi có tính chất dự báo, có tính chất quy hoạch về chất lượng của xã hội đối với con người nói chung, chứ không phải chỉ đối với người lao động. Nếu cho rằng giáo dục tạo ra các sản phẩm lao động thì hoàn toàn sai lầm. Một khi bản thân con người không tiên tiến thì sản phẩm về mặt lao động của nó sẽ không bao giờ tiên tiến. Nếu có thì đó cũng chỉ là sự tiên tiến của một số kiến thức tạm bợ, đặc biệt trong bối cảnh phát triển như vũ bão của thế giới hiện nay. Vì thế, chúng ta phải tạo ra các sản phẩm là chính con người và con người ấy thường xuyên hoàn thiện mình theo đòi hỏi của xã hội và nhu cầu của bản thân. Chính sự hoàn thiện liên tục của con người tạo ra sự tiên tiến của nền giáo dục.

NGUYỄN TRẦN BẠT