Bến Tre: 5 năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng dự án KCN Phú Thuận

Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng KCN Phú Thuận (gọi tắt là dự án KCN Phú Thuận) có diện tích 231,78ha tọa lạc tại xã Phú Thuận và xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Dự án có tổng mức đầu tư được điều chỉnh phê duyệt 3.582 tỉ đồng (tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 4/10/2017 là 2.126 tỉ đồng). Trong đó ngân sách Trung ương trên 3.443 tỉ đồng, còn lại là vốn kêu gọi khác của nhà đầu tư.

Dự án gồm các hạng mục: Đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường giao thông, bến bãi, hệ thống cấp thoát nước mưa, thu gom nước thải, cấp nước sạch và cấp nước chữa cháy, điện, cây xanh, nhà máy xử lý nước thải tập trung và phòng cháy, chữa cháy…

Bến Tre: 5 năm vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng dự án KCN Phú Thuận ảnh 1

Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 – 2025.

Tuy nhiên đã gần 5 năm qua, dự án vẫn chưa thực hiện xong bồi thường, GPMB khiến việc áp giá đền bù GPMB và các chi phí khác tăng, gây lãng phí ngân sách, thiệt thòi cho người dân trong vùng dự án và dự án đang bị chậm tiến độ.

Mới đây, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Bến Tre đã giám sát việc triển khai thực hiện đối với dự án này.

Theo báo cáo của đoàn giám sát HĐND tỉnh, hiện dự án KCN Phú Thuận đã cơ bản hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Về tiến độ giải ngân vốn đạt 1.782 tỉ đồng/2.023 tỉ đồng (bằng 88,1% tổng mức đầu tư ban đầu). Ban QLDA Phát triển hạ tầng các KCN tỉnh đã giải ngân gần 1.700 tỉ đồng và đã chi trả cho các hộ dân trên 1.628 tỉ đồng/1.700 tỉ đồng.

Tổng diện tích đất dự án đã thu hồi và bàn giao mặt bằng 180,3ha/216,2ha (không bao gồm đất công và đất thủy lợi) đạt khoảng 83,4% diện tích.

Riêng đối với dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở công nhân và khu tái định cư phục vụ KCN Phú Thuận đã giải ngân vốn đạt 273/ 491 tỉ đồng, đạt trên 55% giá trị tổng mức đầu tư.

Do giá đất thời điểm hiện tại tăng cao so với thời điểm lập dự án, nên tăng chi phí GPMB, nhiều hộ dân yêu cầu về giá đất, chế độ tái định cư, giá bồi thường nhà ở, công trình, vật kiến trúc trên đất nên chưa chịu nhận hỗ trợ, bồi thường.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong quá trình triển khai dự án dẫn đến chậm tiến độ như: Năng lực tư vấn lập hệ số điều chỉnh giá đất còn hạn chế, lúng túng trong việc xác định giá thị trường của từng vị trí đất.

Công tác điều tra, thống kê đền bù, GPMB còn một số bất cập về giá, vị trí đất, mật độ cây trồng, kiến trúc công trình và nhiều thông tin khác liên quan đến chính sách tái định cư nên các hộ dân không đồng tình làm mất thời gian.

Địa phương chưa kịp thời phát hiện, nhắc nhở để xảy ra nhiều trường hợp người dân di dời nhà, mộ từ dự án KCN Phú Thuận đến nơi ở mới nhưng lại vướng quy hoạch giao thông và buộc phải thu hồi đất lần 2, điều này tác động lớn đến tâm lý và làm tốn kém cho dân, nhà nước.

Thêm nữa là mức giá bồi thường nhà, vật kiến trúc trên đất áp dụng theo Quyết định số 28/2019 của UBND tỉnh Bến Tre chưa tương thích với giá thị trường tăng nhanh như hiện nay nên còn nhiều hộ dân chưa đồng tình.

Xác định đây là dự án trọng điểm, được kỳ vọng tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vì vậy đoàn giám sát HĐND tỉnh kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục tuyên truyền vận động cho người dân đồng tình với chủ trương dự án.

Đồng thời kiến nghị rà soát giải quyết các kiến nghị hợp lý của hộ dân về giá bồi thường đất và công trình, vật kiến trúc trên đất, hoa màu, suất tái định cư có lợi nhất cho người dân nhưng phải đúng quy định pháp luật.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh còn kiến nghị các cơ quan có liên quan cần sớm hoàn thành công tác GPMB cho dự án KCN Phú Thuận và xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở công nhân, tái định cư phục vụ KCN này trong tháng 12-2022.