Ảnh hưởng của viêm màng ối tới sức khỏe thai kỳ – Bệnh viện Vinmec

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm màng ối là hiện tượng nhiễm khuẩn màng túi ối ở thai phụ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm màng ối có thể dẫn đến sinh non hoặc những nhiễm trùng nghiêm trọng ở cả thai phụ và thai nhi.

1. Viêm màng ối là gì?

Nước ối hình thành từ ngày thứ 12 sau khi thụ thai, được tạo thành bởi thai nhi, màng ối và máu của thai phụ. Nước ối bảo vệ thai nhi tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn từ bên ngoài, đồng thời tái tạo năng lượng, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi, giúp bào thai tránh được sự chèn ép của các cơn co tử cung, va chạm, sang chấn,… Ngoài ra, nước ối còn giúp duy trì nhiệt độ ổn định của thai nhi trong tử cung, giúp cơ và xương của bé cứng cáp hơn.

Bao bọc bên ngoài nước ối là màng ối. Viêm màng ối là tình trạng nhiễm khuẩn màng túi ối (xảy ra ở màng ngoài và màng ối xung quanh thanh nhi) và thường xảy ra ở giai đoạn sau và cuối thai kỳ. Tỷ lệ mắc viêm màng ối khá thấp, chỉ 2% trong tổng số các ca sinh sản. Viêm màng ối xảy ra khi vi khuẩn từ dưới âm đạo xâm nhập hệ thống phòng vệ của tử cung. Các vi khuẩn thường gặp là liên cầu khuẩn nhóm B, E.Coli và vi khuẩn kỵ khí. Bên cạnh đó, chuyển dạ kéo dài sau khi màng ối bị vỡ, sinh non, bị nhiễm trùng đường sinh dục dưới (viêm nhiễm âm đạo, âm hộ),… cũng làm tăng nguy cơ viêm màng ối.

Ảnh hưởng của viêm màng ối tới sức khỏe thai kỳ

2. Viêm màng ối gây ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe thai kỳ?

Viêm màng ối nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng cho thai phụ và thai nhi. Cụ thể:

  • Gây ối vỡ non: Khi màng ối vỡ thì sẽ kích thích chuyển dạ để đưa trẻ ra ngoài. Nếu không chuyển dạ thì sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng ối, gây nhiễm trùng bào thai. Đồng thời, nước ối sẽ chảy ra ngoài, thai nhi sẽ không được bảo vệ và nuôi dưỡng. Do đó, viêm màng ối làm tăng nguy cơ sinh non. Trẻ sinh non dễ gặp các biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong do nhiễm trùng;
  • Biến chứng ở người mẹ: Nếu không được điều trị viêm màng ối, người mẹ có thể phải đối mặt với các biến chứng như nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng vùng bụng hoặc vùng chậu, viêm nội mạc tử cung, viêm xương chậu, có cục máu đông trong phổi,… Trong trường hợp nặng, người mẹ có thể bị tái viêm màng ối ở lần mang thai sau hoặc thậm chí sẽ bị mất khả năng làm mẹ;
  • Biến chứng ở thai nhi: Có khoảng 95 – 97% trẻ sơ sinh bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B nếu người mẹ bị viêm màng ối. Trong trường hợp không được điều trị, trẻ có thể bị nhiễm trùng huyết, mắc bệnh đường hô hấp hoặc viêm màng não (nhiễm trùng não và tủy sống). Trong một số trường hợp, viêm màng ối xảy ra ở giai đoạn sớm, nhiễm trùng có thể gây chuyển dạ sớm hoặc thai chết lưu.

Ảnh hưởng của viêm màng ối tới sức khỏe thai kỳ

3. Triệu chứng viêm màng ối

Nếu viêm màng ối xảy ra trong thời kỳ mang thai, có thể sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Trong trường hợp viêm màng ối xảy ra trong quá trình chuyển dạ, bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:

  • Sốt;
  • Đau tử cung;
  • Đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh;
  • Tăng nhịp tim của mẹ hoặc thai nhi;
  • Nước ối có màu bất thường và có mùi hôi.

Ảnh hưởng của viêm màng ối tới sức khỏe thai kỳ

4. Chẩn đoán và điều trị viêm màng ối

Khi nghi ngờ sản phụ bị viêm màng ối trước khi chuyển dạ, các bác sĩ có thể chọc ối lấy dịch ối kiểm tra, chẩn đoán nhiễm trùng. Nếu nghi ngờ viêm màng ối trong quá trình chuyển dạ, bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị dựa trên các triệu chứng lâm sàng.

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào bệnh cảnh của từng sản phụ. Việc điều trị thường bao gồm: Dùng thuốc kháng sinh tiêm truyền tĩnh mạch và kết hợp uống thuốc kháng sinh trong một vài ngày sau đó.

5. Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm màng ối

Để tránh gặp phải những hậu quả khó lường do viêm màng ối gây ra, phụ nữ có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh sau:

  • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, mặc đồ lót thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt;
  • Điều trị triệt để tình trạng viêm nhiễm âm đạo trước khi quyết định mang thai;
  • Những thai phụ có nguy cơ sinh non cao nên sàng lọc nhiễm khuẩn âm đạo vào thời điểm thai nhi được 6 tháng tuổi để phát hiện và điều trị sớm;
  • Bác sĩ cần hạn chế số lần kiểm tra âm đạo khi chuyển dạ, đặc biệt với các trường hợp chuyển dạ sớm;
  • Nếu thấy vùng kín thường xuyên ẩm ướt nên đi khám, theo dõi liên tục và kết hợp với siêu âm khối lượng nước ối, lấy dịch ối kiểm tra xem có bị rỉ ối hay không.

Viêm màng ối có thể dẫn đến những biến chứng khó lường cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, các thai phụ cần chú ý đi khám thai định kỳ, nếu có dấu hiệu bất thường nên hỏi ý kiến bác sĩ để kịp thời phát hiện và điều trị tình trạng này.

Ảnh hưởng của viêm màng ối tới sức khỏe thai kỳ

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, điều trị bệnh có thể trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc liên hệ theo số hotline TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

  • Nhiễm trùng ối: Dấu hiệu nhận biết sớm
  • Viêm màng ối: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
  • Nước ối có màu gì? Các vấn đề bất thường hay gặp với nước ối

Nguồn tham khảo: Bệnh viện Vinmec